MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cực rẻ, một mặt hàng từ Malaysia đang ồ ạt tràn vào Việt Nam: nhập khẩu tăng đột biến hơn 1.200%, Trung Đông thu hàng trăm triệu USD từ Việt Nam

14-03-2024 - 14:35 PM | Thị trường

Giá nhập khẩu mặt hàng này sang Việt Nam đã giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2024, Việt Nam nhập khẩu 214.064 tấn khí đốt hóa lỏng (LPG), tương đương hơn 143,9 triệu USD, giảm 25,9% về lượng và giảm 28,1% về trị giá so với tháng trước đó.

Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 344,7 triệu USD để nhập khẩu 503,1 tấn khí đốt hóa lỏng từ các thị trường, tăng 30,2% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình trong 2 tháng đầu năm đạt 685 USD/tấn, giảm hơn 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cực rẻ, một mặt hàng từ Malaysia đang ồ ạt tràn vào Việt Nam: nhập khẩu tăng đột biến hơn 1.200%, Trung Đông thu hàng trăm triệu USD từ Việt Nam- Ảnh 1.

Về xuất xứ các mặt hàng khí đốt nhập khẩu, Qatar là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đứng sau lần lượt là Ả Rập Xê Út và Malaysia. Trong đó, Malaysia đang là thị trường đẩy mạnh xuất khẩu LPG vào Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 2, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Malaysia 63.686 tấn LPG, kim ngạch đạt 42,6 triệu USD, tăng đột biến 1243% về lượng và tăng 941% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 2 tháng, Việt Nam chi hơn 60 triệu USD để nhập khẩu 87.100 tấn LPG từ quốc gia này, tăng tới 616% về lượng và tăng 523% về giá trị, chiếm tỷ trọng hơn 17% cả về lượng và kim ngạch nhập khẩu. Giá nhập khẩu bình quân từ Malaysia hiện khoảng 689 USD/tấn, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cực rẻ, một mặt hàng từ Malaysia đang ồ ạt tràn vào Việt Nam: nhập khẩu tăng đột biến hơn 1.200%, Trung Đông thu hàng trăm triệu USD từ Việt Nam- Ảnh 2.

Hiện nay, LPG ở Việt Nam chủ yếu được chiết nạp vào bình chứa phục vụ cho nhu cầu dân sinh như sưởi ấm, nấu ăn, công nghiệp, sử dụng trong xe cộ, chất làm lạnh..., các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng trong công nghệ hóa dầu. 

Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.

Từ 1/3, các công ty kinh doanh gas đồng loạt thông báo tăng giá bán lẻ gas. Cụ thể, giá gas của City Petro, Vina Pacific Petro, Vimexco, SP... thông báo tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT).

Theo các công ty gas, giá nhập khẩu gas thế giới theo hợp đồng (giá CP) cho tháng 3 chính thức chốt ở mức 635 USD/tấn, bằng với giá CP tháng trước. Tuy vậy, do tỷ giá giữa đồng đô la và tiền Việt tăng mạnh, lên 24.820 đồng/USD, khiến giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng tương ứng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ gas tăng 3 tháng liên tiếp. Trong đó, giá gas tháng 1 tăng 500 đồng/kg; tháng 2 tăng 417 đồng/kg và tháng 3 tăng 167 đồng/kg. Trung bình mỗi bình gas dân dụng 12kg tăng khoảng hơn 13.000 đồng.

Tại châu Á, giá gas đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do nhu cầu yếu, tạo áp lực giảm giá. Đáng nói, trong khi giá gas trong nước tăng liên tục 3 tháng thì giá gas giao ngay tại châu Á đã giảm gần 30% kể từ đầu năm do nhu cầu suy giảm và tồn kho ở thị trường Đông Á và châu Âu tăng.

Giá khí đốt tại châu Âu nhìn chung đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua trong bối cảnh thời tiết mùa Đông không quá lạnh và mức dự trữ khí đốt của châu Âu ổn định ở ngưỡng cao. Điều này mang lại hy vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã nhấn chìm khu vực này trong 3 năm qua có thể sắp kết thúc.


Việt Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên