MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cước vận tải biển giảm mạnh

23-11-2022 - 09:20 AM | Doanh nghiệp

Xuất khẩu các ngành hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu đang được hưởng lợi nhờ giá cước tàu giảm, còn nhiều ngành hàng khác vẫn khá khó khăn

Sau 2 năm tăng chóng mặt, giá cước vận tải biển bắt đầu giảm sâu kể từ tháng 6-2022 và hiện tại khi đã bước vào "vụ mùa" cuối năm nhưng giá cước không có dấu hiệu nhích lên và tình trạng dư thừa container ngày càng lớn.

Giá cước về gần trước dịch

Ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cho biết thông thường thời gian này là mùa cao điểm xuất khẩu hàng hóa đi các nước để phục vụ Giáng sinh, Tết dương lịch. Thế nhưng hiện tại, giá cước tàu đã giảm khá sâu nhưng vẫn không có khách đặt tàu. Lý do là nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, người dân các nước thắt chặt chi tiêu vì lạm phát khiến nguồn hàng xuất khẩu ít đi, từ đó kéo theo tình trạng dư thừa container, hãng tàu đua nhau hạ giá để hút khách hàng.

Theo ông Long, Trung Quốc hiện là thị trường dư thừa hàng hóa lớn nhất, các thị trường khác cũng không cần nhiều hàng, buộc các đơn vị logistics và dịch vụ liên quan phải chấp nhận gom đơn hàng của khách, từ số lượng nhỏ thành số lượng lớn để bảo đảm hoạt động thông suốt cho khách, cũng như duy trì hoạt động chờ thị trường hồi phục. Theo đó, các hãng tàu hiện nay chấp nhận khai thác đa dạng dịch vụ, hạ giá bất chấp để thu hút khách gửi hàng đi các nơi trên hải trình. Ví dụ, trước đây phải đủ 2.000-3.000 container thì tàu mới khởi hành thì nay cỡ 700-800 container các tàu cũng phải chạy. Vì không có hàng đi nên tình trạng dư thừa container rỗng ở các cảng ngày càng nhiều, các hãng tàu không thu được cước hàng hóa mà phải tốn phí lưu container, phí lưu bãi… "Bốn tháng trước, một container hàng lạnh 40feet đi Trung Quốc khoảng 7.000-8.000 USD thì hiện giờ chỉ còn 1.600-1.700 USD. Còn container đi tới bờ Tây nước Mỹ hiện giờ đã xuống dưới 2.000 USD, chỉ còn 1.600-1.700 USD/container, đi bờ Đông cao hơn nhưng cũng chỉ 2.200 USD/container, trong khi vài tháng trước phải trên 10.000 USD/container" - ông Long nêu thực tế.

Theo Tổng Cục Hải quan, sản lượng hàng xuất khẩu tháng 9 giảm đi rất nhiều, quý IV nguồn xuất khẩu đang giảm, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (DN) logistics. Đặc biệt, giá cước tàu trong nước và vận chuyển quốc tế đang giảm rất nhiều, thậm chí tàu đi châu Âu giảm chỉ còn 900 USD, giảm sâu đến 50% so với trước.

Dưới góc độ DN sử dụng dịch vụ, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - thừa nhận giá cước vận tải biển hiện nay đã về gần với mức trước dịch COVID-19. Điển hình, thời điểm dịch, hàng đi Mỹ từng ghi nhận mức cước 17.000 USD/container 40 feet thì nay chỉ còn khoảng 3.000 USD/container; từ 10.000 USD/container 20 feet xuống còn 1.500 USD/container. "Giá cước tàu giảm phản ánh sự ảm đạm của nền kinh tế thế giới khi mùa cao điểm mua sắm, tiêu dùng cuối năm nhưng nhu cầu xuất nhập khẩu lại giảm sâu. Tại các nước, xu hướng chọn hàng nội địa, giá rẻ nhiều hơn là hàng nhập khẩu giá cao. Ở các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU nhu cầu giảm, tồn kho cao nên nhà nhập khẩu giảm đặt hàng. Trong bối cảnh này, DN xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu, giá bình dân lại được hưởng lợi vì nhu cầu thị trường vẫn duy trì còn các mặt hàng giá cao thì "thua" vì không có đơn hàng. Ví dụ, những loại gạo bình dân dùng để làm bột bún, bánh, phở... hay một số loại rau củ quả đông lạnh... đã có thể xuất khẩu trở lại vào Mỹ nhờ giá cước tàu thấp. Tuy nhiên, để nhà nhập khẩu tiếp tục nhập hàng trong lúc các kho hàng đã đầy, DN Việt Nam phải chia sẻ với đối tác để giảm giá - xả kho hàng cũ giá cao nên hiệu quả kinh doanh lúc này không cao" - ông Tùng phân tích.

Giá cước vận tải biển giảm mạnh - Ảnh 1.

Tàu chở hàng trên biển Cần Giờ và sông Sài GònẢnh Hoàng Triều

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, chuyên xuất khẩu nông sản, cho biết trước dịch COVID-19, chi phí vận chuyển của DN khoảng 3 tỉ đồng/tháng đã tăng vọt lên 30 tỉ đồng/tháng trong 2 năm dịch và giờ về mức 4 tỉ đồng/tháng. "Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí hoạt động của DN, giảm khó khăn cho DN. Các DN xuất khẩu các ngành hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu được hưởng lợi nhờ giá cước tàu giảm còn lại rất nhiều ngành hàng khó khăn vì không có đơn hàng" - ông Thông nhìn nhận.

Chi phí giảm không đáng kể

Tuy vậy, một số DN cho hay cước tàu biển giảm sâu giai đoạn này chủ yếu mang tính chất động viên tinh thần chứ không tác động đáng kể đến việc giảm chi phí đầu vào của DN. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho hay cước tàu biển chiếm 50% trong chi phí logistics, 50% còn lại là các chi phí khác thì không được giảm nên tổng thể, chi phí logistics giảm không đáng kể. "Với ngành cao su, trừ cao su thiên nhiên mua trong nước, còn lại các nguyên liệu khác chủ yếu nhập khẩu. Tỉ giá USD/VNĐ đã tăng mạnh và đang neo ở mức cao nên nhìn chung, DN ngành cao su - nhựa không được hưởng lợi về tỉ giá" - ông Quốc Anh phân tích. Ông nói thêm giá nguyên vật liệu tăng từ cuối quý I, đầu quý II năm nay và mới chững lại trong thời gian gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN.

Theo phản ánh của các DN cao su - nhựa, tình hình đầu năm tốt, từ tháng 8 trở lại đây đơn hàng giảm dần so sức mua nội địa các nước châu Âu, Mỹ giảm vì lạm phát, cộng với tỉ giá tăng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng giá, khó bán hơn. Ở trong nước, sức mua cũng chậm do người tiêu dùng giảm chi tiêu. Hiện tại, bình quân DN giảm 20% doanh thu so với cao điểm tháng 6-2022, có DN giảm đến 30%-40% nhưng so với năm 2021, tỉ lệ giảm không đáng kể.

Các DN dự đoán tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý II/2023, từ nay tới thời điểm đó DN rất khó xoay xở bảo toàn lợi nhuận. "Trong vòng 8-9 tháng tới, tình hình sẽ rất ngặt nghèo, đơn hàng sụt giảm trầm trọng trong khi khó khăn về dòng tiền càng lúc càng lớn: dòng tiền quay về chậm, công nợ quốc tế lẫn nội địa đều kéo dài, room tín dụng hạn hẹp... Giải pháp duy nhất là DN nỗ lực cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất, cố gắng thuyết phục khách hàng ký hợp đồng các đơn hàng dự trữ nhằm duy trì sản xuất tối thiểu để giữ việc làm cho người lao động, chờ đến khi thị trường tốt lên là bắt nhịp tăng tốc ngay" - chủ tịch Hội Cao su - Nhựa nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội da giày TP HCM, kể chuyện 3-4 tháng trước, DN ngành da giày làm ngày làm đêm vì đơn hàng tấp nập. Thời điểm đó, các DN phải chạy đôn chạy đáo tìm container rỗng để xuất hàng nhưng giờ container ế thì đơn hàng lại khan hiếm. Ông Khánh bày tỏ: "Chi phí vận chuyển quốc tế đi xuống trong lúc đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh chỉ có tác dụng an ủi DN vì đang lúc khó khăn, chi phí nào cũng tăng, cái nào giảm được thì mừng cái đó. Nhìn chung năm nay, DN da giày vẫn có tăng trưởng nhờ sự phục hồi mạnh trong 8 tháng đầu năm. Sắp tới, tình hình chung là thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí chờ thế giới qua cơn suy thoái" - ông Khánh thông tin.

Khách hàng lại được làm "thượng đế"

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng cho thay: "Một số DN ký hợp đồng chốt giá (trong đó có giá cước tàu) giao sau đã hưởng lợi khi giá cước tàu giảm sâu hơn dự đoán nhưng không nhiều vì các DN đều không dám mạo hiểm ký hợp đồng giao xa. Nhiều DN cho hay họ đang trở lại vai trò "thượng đế" khi liên tục được các hãng tàu chào mời đặt chỗ vận chuyển với nhiều chính sách ưu đãi. Dù vậy, xuất khẩu hồ tiêu vẫn chưa khởi sắc khi nhu cầu giảm mạnh khiến giá giảm mạnh dù sản lượng thu hoạch giảm".

Theo Sơn Nhung, Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Người Lao động

Trở lên trên