Giá đã vượt 45 USD/thùng, thị trường dầu sẽ sớm trở lại thế cân bằng?
Theo IEA, thị trường sẽ quay trở lại thế cân bằng vào năm 2017 nhờ sản lượng khai thác của các nước ngoài Tổ chức Sản xuất và Xuất khẩu (OPEC) giảm mạnh nhất trong 25 năm qua.
- 19-04-2016Vỡ mộng Doha, giá dầu "thoát nạn" nhờ Kuwait
- 18-04-2016Hội nghị Doha thất bại, giá dầu sẽ lao dốc trong thời gian tới?
- 15-04-2016Doha, giá dầu và nỗi ám ảnh 315 tỷ USD
Sản lượng dầu của các nước ngoài khối OPEC có dấu hiệu suy giảm trong khi nhu cầu dầu mỏ thế giới trong xu thế tăng đang đem lại những tia hy vọng mới về khả năng cán cân cung và cầu dầu thế giới trở lại thế cân bằng trong năm 2017. Tuy nhiên, mức dự trữ dầu thế giới vẫn đang ở mức cao kỷ lục vẫn là yếu tố cản trở giá dầu tăng đột phá trong thời hạn ngắn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là cơ quan gần đây nhất đưa ra dự báo về thị trường dầu mỏ thế giới. Theo IEA, thị trường sẽ quay trở lại thế cân bằng vào năm 2017 nhờ sản lượng khai thác của các nước ngoài Tổ chức Sản xuất và Xuất khẩu (OPEC) giảm mạnh nhất trong 25 năm qua, gần 700.000 thùng/ngày. Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết giá dầu thấp kỷ lục đã khiến đầu tư vào ngành dầu mỏ giảm 40% trong hai năm qua, đặc biệt là tại Mỹ, Canada, châu Mỹ La Tinh và Nga.
Theo số liệu ước tính của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, kể từ đầu năm 2016 sản lượng dầu của Mỹ đã giảm ít nhất 500.000 đến 600.000 thùng/ngày và sẽ giảm tiếp 500.000 thùng/ngày vào năm 2017.
Trong khi đó, nhu cầu về dầu có dấu hiệu tăng mạnh trên toàn cầu, dẫn đầu là Ấn Độ, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.
Ấn Độ là điểm sáng đáng chú ý. Theo các số liệu của OPEC, tổng nhu cầu về các sản phẩm dầu (xăng, LPG, diesel, dầu nhiên liệu...) của Ấn Độ tăng mạnh và đạt 4,59 triệu thùng/ngày, đưa Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới.
Giá dầu thấp đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu của Trung Quốc và sản lượng khai thác của nước này ước tính giảm từ 4,3 triệu thùng/ngày trong năm 2015 xuống còn 4,1 triệu thùng/ngày trong năm 2016. Nguồn cung giảm có nghĩa là Trung Quốc có thể phải tăng lượng dầu nhập khẩu. Theo dự đoán của ngân hàng Barclays (Anh), nhập khẩu dầu mỏ vào Trung Quốc sẽ tăng vọt lên 8 triệu thùng/ngày trong năm 2016 so với 6,7 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Lượng dầu thô nhập khẩu vào nước này tăng mạnh trong tháng 3/2016.
Do vậy, ông Birol lạc quan cho rằng, cán cân cung cầu và cục diện giá dầu sẽ quay lại trở lại thế cân bằng trong năm nay hoặc muộn nhất là vào năm 2017. Theo ông Birol, từ năm 2018 trở đi nguồn dự trự dầu sẽ giảm và hỗ trợ giá dầu tịnh tiến dần dần.
Tình trạng dư thừa dầu cung cấp hiện nay đã đẩy giá dầu thô từ mức cao điểm 115 USD/thùng đạt được vào tháng 6/2014 rớt xuống còn hiện nay khoảng 45 USD/thùng. Ông Birol cho rằng mức giá 45 USD/thùng làm xua tan phần nào mối phiền muộn của tất cả các nhà sản xuất dầu trên thế giới song vẫn còn quá thấp để hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có thể có lợi nhuận.
Ngoài ra, với tham vọng giành lại thị phần đã mất sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ trong tháng 1/2016 Iran đặt kế kế hoạch khoan 4 triệu thùng dầu/ngày. Nước vùng vịnh này đang gặp phải vấn đề nan giải là dầu đưa lên bờ quá nhiều nhưng không có đủ tàu chuyên chở. Các công ty vận tải đường biển không mặn mà chở hàng của Iran bởi lệnh cấm dùng USD trong giao dịch thương mại với Iran vẫn còn có hiệu lực. Ngoài ra, Iran còn bị "địch thủ” Ả Rập Xê Út cản đường không chỉ bằng lệnh cấm tàu của Iran chạy qua lãnh hải của mình mà còn đẩy mạnh những biện pháp can thiệp với các bên thứ ba để việc mua tàu chở hàng của Iran không thể thực thi.
Theo các số liệu của hãng truyền thông Bloomberg, trong hai tuần đầu tháng 4/2016, có khoảng 28,8 triệu thùng dùng thô hay trên 2 triệu thùng/ngày đã được vận chuyện ra khỏi các cảng của Iran, tăng so với tỉ lệ 1,45 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2016. Xuất khẩu dầu thô Iran ước tính tăng trên 600.000 thùng/ngày trong tháng 4/2016 và đến các thị trường chủ yếu là châu Á.
Bên cạnh Iran, Ả Rập Xê Út và Nga cũng đang bơm thêm nhiều dầu. Chỉ một vài ngày sau khi một thoả thuận toàn cầu về bình ổn sản lượng sụp đổ tại hội nghị Doha, Bộ trưởng Năng lượng Nga tuyên bố nước này có thể tăng sản xuất dầu lên mức cao kỷ lục là trên 12 triệu thùng/ngày nhằm duy trì thị phần của mình.
Trong bối cảnh này, triển vọng hồi phục của giá dầu hiện nay phụ thuộc một phần nhiều vào các nước sản xuất dầu ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ. Bởi theo ước tính của các nhà phân tích thuộc ngân hàng Pháp BNP Paribas, Mỹ đóng góp phần lớn trong con số dự báo cắt giảm sản lượng 700.000 thùng dầu/ngày của các nước nằm ngoài khối OPEC trong năm 2016. Nếu sản lượng dầu khai thác cắt giảm của Mỹ không đủ mạnh để góp phần tái cân bằng thị trường thì khi đó giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp.
Hơn nữa, mức dự trữ dầu trên toàn thế giới vẫn ở mức cao kỷ lục. Hiện tại mỗi ngày trên thị trường thế giới cung ước tính nhiều hơn cầu từ một đến hai triệu thùng dầu. Điều này có thể cản trở giá dầu tăng đột phá trong thời hạn ngắn.
Dự báo khả quan của IEA đã truyền sinh khí mới cho thị trường dầu vốn đã uể oải sau khi Hội nghị Doha thất bại và giúp giá tiếp tục duy trì động thái hồi phục kể từ tháng 2/2016 nhờ nhiều nỗ lực can thiệp vào thị trường.
Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu Bernstein bày tỏ tin tưởng rằng chí ít thì niềm lạc quan đã quay trở lại các thị trường năng lượng và dầu đá phiến của Mỹ có thể có "tương lai rõ ràng” nếu giá dầu tăng lên 50 - 60 USD/thùng.
Song không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan như vậy. Ông Brent Owens thuộc tạp chí nổi tiếng Forbes dự đoán giá dầu sẽ mau chóng giảm 30%. Tập đoàn đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cũng cho rằng mặc dù giá dầu có thể hồi phục hơn nữa song xu hướng tăng giá này đạt được không phải do sự thay đổi mang tính bền vững về các yếu tố nền tảng của thị trường.
Dưới đây là bảng tổng hợp một số dự đoán về giá dầu thô Brent được đưa ra trong năm nay:
Tuy vẫn là rất thấp so với mức giá hai năm về trước, song 45 USD/thùng dầu là mức giá vượt nhiều dự đoán mới được đưa ra gần đây và khiến các con số dự đoán này trở nên cũ kỹ và ít đáng tin cậy. Điều đó cho thấy thị trường 'vàng đen' này vẫn ấn chứa nhiều bất ổn và việc dự đoán giá dầu là một bài toán hóc búa.
Reuters, the Guardian, theweek.co.uk, oilprice.com