Giá dầu Brent và WTI cao nhất gần 3 năm, dầu Nga cao kỷ lục lịch sử do triển vọng nhu cầu mạnh mẽ
Giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 3 năm do lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và hoạt động kinh tế của Đức tăng tốc, báo hiệu sự hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng Covid-19.
- 24-06-2021Thị trường ngày 24/6: Giá dầu cao nhất hơn 2 năm, vàng, sắt thép, đậu tương, cà phê đồng loạt tăng
- 24-06-2021Giá dầu đạt đỉnh hơn 2 năm do nguồn cung của Mỹ thắt chặt
Giá "vàng đen" cũng được hỗ trợ bởi những nghi ngờ về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 – điều có thể dẫn tới chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu thô của Iran.
Kết thúc phiên 24/6 vừa qua, dầu Brent tăng 37 US cent, tương đương 0,5%, lên 75,56 USD/thùng, trong phiên có thời điểm đạt 75,78 USD USD. Dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 22 US cent lên 73,30 USD/thùng vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm chạm tới 73,61 USD.
Phiên liền trước (thứ Tư ngày 23/6), cả 2 loại dầu đều có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, sau đó hạ nhẹ lúc cuối phiên sau khi các nhà đầu tư năng lượng bán chốt lời.
Giá dầu Brent và WTI
Đáng chú ý, giá dầu trên thị trường Nga – một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Giá dầu từ lưu vực sông Volga cung cấp cho thị trường nội địa kỳ hạn giao tháng 7 đã tăng khoảng 11% chỉ trong vòng một tháng qua, hiện đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, giá dầu kỳ hạn 1 tháng đã tăng lên 36.700-37.100 rúp (507,60 - 513,10 USD)/tấn, từ mức 32.900-33.600 rúp một tháng trước đây. Các nguồn tin trong ngành cho biết giá dầu từ vùng Udmurtia của Nga trong cuộc đấu thầu của Rosneft đã đạt 36.900 rúp/tấn, mặc dù công ty chưa xác nhận kết quả đấu thầu.
Động lực chính đẩy giá dầu tăng tiếp trong phiên vừa qua là dữ liệu từ Đức cho thấy bán lẻ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất, cách đây 3 thập kỷ, đem lại kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu ở Châu Âu sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy, trên khắp Đại Tây Dương, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Các kho dự trữ xăng của Mỹ cũng bất ngờ giảm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, gọi là OPEC đã thảo luận về việc kể từ tháng 8 tới có tiếp tục lộ trình cắt giảm sản lượng nhiều kỷ lục kỷ lục như lộ trình đưa ra từ năm ngoái hay không, nhưng chưa đưa ra quyết định nào. Nhóm này sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 1/7 tới.
Hôm thứ Tư (23/6), Iran cho biết Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ cũng như hoạt động vận chuyển dầu của của họ, nhưng phía Washington nói rằng "không có gì được nhất trí cho đến khi mọi thứ được hai bên thống nhất" trong các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena, bang Illinois, cho biết việc chấm dứt các lệnh trừng phạt và việc dầu mỏ của Iran được xuất khẩu trở lại trên thị trường thế giới "có thể còn mất tới vài tháng chứ không phải vài tuần".
Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, Dharmendra Pradhan, hôm thứ Năm (244/6) đã thúc giục OPEC loại bỏ việc cắt giảm sản lượng dầu thô vì giá cao đang gây ra lạm phát, làm nguy hại đến tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích của Commerzbank nhận định: "Với tâm lý tốt và nhu cầu mạnh mẽ, OPEC + có khả năng thấy đủ điều kiện để trong vài tuần tới sẽ thông báo tăng sản lượng hơn nữa, ít nhất là nâng sản lượng của tháng 8, mà không gây nguy hiểm cho đà tăng của giá dầu".
Theo ngân hàng này, "tương lai của thị trường dầu nhìn chung đang rất tích cực" khiến giá không ngừng đi lên.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 45% trong năm nay do OPEC + cắt giảm nguồn cung và nhu cầu hồi phục. Đã có dự đoán rằng giá dầu thô sẽ sớm trở lại mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2014.
Tham khảo: Reuters