MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu Brent vọt lên cao nhất 11 tháng sau khi Saudi Arabia tự nguyện giảm mạnh sản lượng

06-01-2021 - 11:41 AM | Thị trường

Giá dầu Brent vọt lên cao nhất 11 tháng sau khi Saudi Arabia tự nguyện giảm mạnh sản lượng

Giá dầu Brent sáng nay tiếp tục leo dốc lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 sau khi Saudi Arabia đồng ý cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức dự kiến, trong khi dữ liệu mới cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần qua sụt giảm.

Đầu giờ sáng nay ngày 6/01 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 0,6% lên 53,94 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 26/2/2020. Phiên vừa qua (4/1), giá dầu Brent đã tăng 4,9% lên 53,79 USD/thùng.

Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) sáng nay cũng tăng 13 US cent (0,26%) lên 50,06 USD/thùng, sau khi đã tăng 4,6% trong phiên vừa qua lên 49,93 USD/thùng, cao nhất kể từ 24/2/2020.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng khiến nhu cầu xăng dầu bị ảnh hưởng, các nước sản xuất dầu mỏ đang nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ giá dầu.

Capital Economics cho biết: "Quyết định này gây bất ngờ lớn" và nó "củng cố niềm tin của chúng tôi rằng thị trường dầu mỏ sẽ thâm hụt... từ đó sẽ khiến giá dầu Brent lên 60 USD/thùng vào cuối năm nay".

OPEC+ đã buộc phải cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nhiên liệu. Mức cắt giảm sau đó đã được điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, rồi giảm tiếp xuống 7,2 triệu thùng/ngày sau khi OPEC+ hồi tháng 12/2020 quyết định tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.

Khắp nơi trên thế giới đang siết chặt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bao gồm cả biện pháp phong tỏa toàn quốc.

Nước Anh từ ngày 5/1 tiến hành đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 2, sau khi số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện tăng vọt lên cao hơn 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, gây lo ngại tổng số người tử vong có thể chạm cột mốc đen tối 100.000 người vào cuối tháng 1. 

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và giới lãnh đạo bang đang xem xét kéo dài lệnh phong tỏa ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 10/1 đến cuối tháng này, do số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng dù đã phong tỏa trong kỳ nghỉ cuối năm.

Tại châu Á, giới chức Trung Quốc vừa tuyên bố nhiều khu vực tại tỉnh Hà Bắc là "vùng nguy hiểm" cần được cách ly và xét nghiệm chặt chẽ sau khi phát hiện hàng chục ca bệnh mới. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan siết chặt việc di chuyển giữa các tỉnh có dịch trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gần đây sau một năm không có ca nhiễm cộng đồng.

Trong khi đó, tồn trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần tới ngày 01/01 giảm xuống còn 491,3 triệu thùng, song tồn trữ xăng và sản phẩm chưng cất đều tăng, theo dữ liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ.

Nguồn cung càng có dấu hiệu thắt chặt sau khi có tin Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc để gây sức ép buộc Seoul phải dỡ bỏ phong tỏa số tiền 7 tỷ USD bị đóng băng theo lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Tuy nhiên, Tehran phủ nhận việc bắt giữ tàu Hàn Quốc nói trên.

Tham khảo: Refinitiv

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên