Giá dầu cao nhất nhiều năm, IEA kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng
Giá dầu hôm nay 11/6 tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu đồng loạt hồi phục ở khắp nơi trên thế giới, từ Châu Âu tới Trung Quốc, Mỹ.
- 11-06-2021Thị trường ngày 11/6: Giá dầu cao nhất trong hơn 2 năm, vàng và quặng sắt đồng loạt tăng
- 10-06-2021Thị trường ngày 10/06: Giá vàng, dầu biến động nhẹ, quặng sắt tăng sau 3 ngày giảm liên tiếp
Giá dầu Brent chiều 11/6 theo giờ Việt Nam tăng 21 US cent so với đóng cửa phiên liền trước, lên 72,73 USD/thùng; trong phiên liền trước có lúc giá Brent đạt 72,93 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chiều 11/6 cũng tăng 17 US cent lên 70,46 USD/thùng, trước đó đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 vào lúc đóng cửa phiên 10/6.
Trong nước, phản ánh xu hướng giá xăng dầu tăng trên toàn cầu, giá xăng dầu từ ngày 11/6 cũng được điều chỉnh tăng khá, với mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 620 đồng, RON 95 tăng 630 đồng; các mặt hàng dầu tăng 590-680 đồng một lít, kg. Theo giá mới, xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/6 có giá 19.040 đồng/lít; RON 95 giá 20.160 đồng/lít, dầu hoả 14.410 đồng/lít, dầu diesel 15.440 đồng/lít, và dầu mazut 14.950 đồng/kg.
Ngân hàng đầu tư của Mỹ, Goldman Sachs, dự kiến giá dầu thô Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong mùa Hè này, đặt cược rằng đợt phục hồi của thị trường dầu gần đây sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi toàn cầu triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19, giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế hồi phục, đẩy nhu cầu hàng hóa tăng theo.
Theo Goldman Sachs: "Tỷ lệ tiêm chủng tăng sẽ dẫn tới lượng người di chuyển tăng, nhất là Mỹ và Châu Âu, khiến nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng tới, lên 96,5 triệu thùng/ngày".
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết dữ liệu cho thấy lưu lượng người trên đường bộ ở Bắc Mỹ đã trở lại mức trước Covid-19, và ở hầu hết các nơi của Châu Âu cũng đang rất đông. Theo ANZ, thị trường nhiên liệu máy bay cũng có dấu hiệu được cải thiện. Số liệu từ Eurocontrol cho thấy các chuyến bay ở Châu Âu tăng 17% trong 2 tuần qua.
Goldman có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực hàng hóa. Ngân hàng này kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục phục hồi lên 99 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2021 và sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm nay.
Goldman nhận định rằng tiến độ chậm ở các cuộc đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và hỗ trợ giá. Iran và các cường quốc lớn trên thế giới đã đàm phán từ tháng 4 về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 8/6 cho biết, kể cả khi Iran và Mỹ quay trở lại tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân Iran thì cũng vẫn có hàng trăm lệnh trừng phạt khác của Mỹ đối với Tehran tiếp tục được áp dụng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - trong báo cáo hàng tháng vừa công bố - cho biết các nhà sản xuất dầu OPEC + cần tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu dầu tăng mạnh – đến cuối năm sẽ về mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. IEA cho rằng các nhà cung cấp dầu cần nâng sản lượng để nhu cầu dầu toàn cầu được đáp ứng đầy đủ.
IEA tính toán mức độ sản lượng OPEC+ cần tăng để đáp ứng nhu cầu
Báo cáo của IEA cho biết: "Vào năm 2022, nhóm OPEC + gồm 24 thành viên, do Saudi Arabia dẫn đầu, có khả năng tăng nguồn cung dầu thô lên 1,4 triệu thùng/ngày, cao hơn mục tiêu của họ đặt ra cho giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022".
Cán cân cung - cầu dầu mỏ
Cùng chung quan điểm với IEA, OPEC ngày 10/6 vẫn giữ nguyên mức dự đoán về nhu cầu dầu thế giới năm 2021 và cho rằng nhóm cần nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu.
Trong báo cáo này, OPEC dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ tăng 6,6% so với năm ngoái Đây là tháng thứ 2 liên tiếp OPEC không thay đổi mức dự báo lạc quan của mình.
Theo OPEC: "Đà hồi phục mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu đã bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số nền kinh tế quan trọng, trong đó có Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ". Song "nhìn chung, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, và do đó sẽ có tác động tích cực lên nhu cầu dầu mỏ, dự kiến vào nửa cuối năm nay".
Trong báo cáo tháng này, OPEC dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 5,5%, không thay đổi so với tháng trước, với giả định tác động của đại dịch sẽ được "kiềm chế phần lớn" vào đầu nửa cuối năm. Trong đó, Mỹ sẽ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2021, trong khi nhu cầu ở các quốc gia công nghiệp hóa của OECD sẽ chưa hồi phục hoàn toàn sau năm 2020 lao dốc.
Giá dầu đã tăng khoảng 40% trong năm nay do nhu cầu tăng và OPEC cùng đồng minh tiếp tục kiềm chế nguồn cung.
Vào tháng 4, OPEC + đã nhất trí giảm dần việc cắt giảm sản lượng dầu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7. Trong cuộc họp vào ngày 1/6, OPEC+ xác nhận tiếp tục duy trì chủ trương này.
Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 5/2021 tăng 390.000 thùng/ngày lên 25,46 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng của Saudi Arabia tăng 410.000 thùng/ngày lên 8,54 triệu thùng/ngày.
Cũng trong báo cáo mới nhất, OPEC giữ nguyên ước tính lượng dầu cần bơm trong năm nay ổn định ở mức 27,7 triệu thùng/ngày, mặc dù nguồn cung từ các nước ngoài OPEC có sự điều chỉnh nhỏ. Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa nhiều khoản cắt giảm sản lượng của OPEC + sẽ không được thực hiện trong nửa cuối năm nay.
Dự kiến năm 2022, sản lượng dầu của OPEC+ sẽ tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đưa ra cho tháng 7/2021.
IEA cho biết, việc đáp ứng nhu cầu dầu đang phục hồi nhanh không phải là khó khăn với OPEC+, bởi nhóm này còn công suất dự phòng 6,9 triệu thùng/ngày kể từ sau tháng 7 tới, chưa kể nguồn cung từ Iran có thể sẽ có trên thị trường nếu đàm phán thành công.
"Nếu các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ, sẽ có thêm 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường chỉ sau một thời gian ngắn", IEA cho biết.
Công suất dự phòng của OPEC+
Tham khảo: Refinitiv