Giá dầu chấm dứt chuỗi tăng bởi sản lượng phá đỉnh
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 6/12 bởi sản lượng dầu thô tại hầu hết các quốc gia lớn đều tăng mặc dù OPEC và Nga đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng trước đó, dấy lên những lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài hết năm 2017.
- 03-12-2016Giá dầu chốt tuần tăng mạnh nhất 7 năm
- 02-12-2016Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, vượt xa 50 USD/thùng
- 01-12-2016Giá dầu tăng vọt 10% sau quyết định lịch sử của OPEC
Giá dầu Brent giảm 1,05 USD (1,9%) xuống mức 53,89 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)
Giá dầu WTI giảm 86 cent (1,7%) xuống mức 50,93 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu WTI trong 1 tháng qua (Nguồn: CNBC)
Phiên giao dịch này chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp của giá dầu sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu tiên sau 8 năm.
Tính từ sau cuộc họp lịch sử ngày 30/11, giá dầu Brent tăng hơn 15% và có thời điểm hơn giá dầu WTI 2,29 USD/thùng – khoảng cách lớn nhất kể từ tháng 8.
Các nhà phân tích cho rằng hiệu ứng OPEC không còn mạnh mẽ như trước và các nhà đầu tư đang tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cung-cầu toàn cầu. Ví dụ như sản lượng đang ở mức kỷ lục, kế hoạch của Nga hay phản ứng của các nhà sản xuất tại Mỹ.
Tháng 11, sản lượng dầu mỏ của OPEC đạt mức kỷ lục 34,19 triệu thùng/ngày, tăng 370.000 thùng/ngày so với tháng 10. Sản lượng của Nga đạt 11,21 triệu thùng/ngày – mức cao nhất trong gần 30 năm qua. Với mức sản lượng như vậy, chỉ riêng OPEC và Nga đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn thế giới, ước tính đạt 95 triệu thùng/ngày.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng, cuộc chiến thị phần giờ đây sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Hơn 2 năm qua, Saudi Arab liên tục bơm dầu vào thị trường và đẩy giá dầu xuống mức thấp để loại bỏ đối thủ dầu đá phiến từ Mỹ nhưng giờ phải tìm cách tăng giá dầu để đảm bảo ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Saudi Arab chấp nhận nhường thị phần cho các quốc gia khác, đặc biệt tại thị trường châu Á rộng lớn. Mới đây, công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco giảm giá dầu giao tháng 1 cho các khách hàng châu Á đi 1,20 USD/thùng.
Theo thỏa thuận với OPEC, các cường quốc ngoài tổ chức sẽ nhóm họp vào cuối tuần này để bàn về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm từ mức 8,9 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 8,8 triệu thùng/ngày trong năm 2017.
Các nhà phân tích dự báo lượng dầu thô lưu kho tại Mỹ trong tuần trước giảm 1 triệu thùng và giá dầu tuần này sẽ giao dịch trong mức 50-55 USD/thùng.
Người đồng hành