Giá dầu châu Á giảm trước nghi ngại OPEC không duy trì thỏa thuận
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên ngày 15/2 do mối quan ngại rằng các nhà sản xuất Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không thể duy trì việc tuân thủ cao thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm giảm bớt tình trạng dư cung dai dẳng trên toàn cầu.
- 14-02-20173 lý do khiến giá dầu tăng gấp đôi trong vòng 1 năm
- 11-02-2017Giá dầu đồng loạt tăng sau báo cáo OPEC tuân thủ 90% cam kết cắt sản lượng
- 10-02-2017Nhu cầu tại Mỹ tăng, giá dầu quay trở lại
Tại thị trường Singapore, chiều 15/2 giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 55,62 USD/thùng, giảm 35 cent (0,63%) so với mức đóng phiên trước đó, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 37 cent (0,73%) xuống 52,83 USD/thùng.
Hồi tháng 12 năm ngoái, các nước trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017.
Hãng nghiên cứu BMI Research cho biết rằng dựa vào việc OPEC đã tuân thủ khoảng 92,8% thỏa thuận cắt sản lượng, sản lượng đã giảm 1,08 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, mức độ tuân thủ của Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai OPEC, chỉ là 40%. Điều này đồng nghĩa với việc các nước khác phải cắt giảm nhiều hơn mức đề ra của mình để đạt được mục tiêu chung cho nửa đầu năm 2017.
Trong khi đó, một số nhà giao dịch cho hay việc bảo trì các giếng dầu ở khu vực Trung Đông có thể hỗ trợ OPEC hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy vậy, giới phân tích cho hay nguồn cung trên thị trường “vàng đen” vẫn khá cao bất chấp động thái cắt giảm sản lượng của OPEC, một phần do sản lượng dầu tại Mỹ tăng 6,5% kể từ giữa năm 2016 lên 8,98 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng Citi bank của Mỹ đã hạ dự báo giá dầu Brent xuống 63 USD/thùng và 58 USD/thùng vào quý II/2018 và quý IV/2018, tương ứng với giá dầu trung bình trong năm 2018 vào khoảng 60 USD/thùng./.
Theo TTXVN/Vietnam+