MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu được dự báo tăng tiếp trong năm 2018 – 2019

10-02-2018 - 18:44 PM | Thị trường

Bên cạnh việc cung cầu đang mất cân bằng và lượng tồn kho dầu giảm, giá dầu tiếp tục cải thiện được hỗ trợ bởi OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 – 31/3/2018.

Theo Báo cáo Triển vọng ngành năm 2018, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, cầu sử dụng dầu thô đã bắt đầu vượt cung và dự báo xu hướng sẽ vẫn tiếp diễn trong các năm tới. 

Theo báo cáo tháng 12/2017 của OPEC, nhu cầu dầu thô đã bắt đầu vượt cung từ Q2/2017, tính trung bình trong Q3/2017 lượng cầu dầu thô đạt 97,7 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung chỉ khoảng 96,6 triệu thùng/ngày, giảm tồn kho 1,1 triệu thùng/ngày. 

HSBC dự báo năm 2017, nhu cầu dầu thô toàn cầu vào khoảng 97,9 triệu thùng/ngày, lượng cung là 97,3 triệu thùng/ngày, lượng giảm hàng tồn kho sẽ đạt 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Tồn kho dầu thô của nhóm OECD có thể coi như đại diện cho tồn kho của Thế giới, hiện cũng đang theo xu hướng giảm. Tính đến Q3/2017, tồn kho của nhóm OECD là 4,56 tỷ thùng (trong đó khối thương mại là 2.99 tỷ và khối chính phủ SPR là 1,58 tỷ thùng), với sản lượng tiêu thụ 47,7 triệu thùng/ngày (chiếm 48,82% tổng cầu Thế giới) số ngày để tiêu thụ hết sẽ là 95,7 ngày, giảm so với mức 97,6 ngày của năm 2015.

Mỹ là nước dự trữ dầu lớn nhất Thế giới, tính đến 15/12/2017, tồn kho thương mại là 436 triệu thùng, giảm 10% so với đầu năm 2016. 

Với Trung Quốc, nước dự trữ dầu lớn thứ 2 Thế giới, tính đến tháng 10/2017, tồn kho thương mại là 349 triệu thùng, giảm 17 triệu thùng so với cùng kỳ 2016 (trong đó dầu thô giảm 21,5 triệu thùng và thành phẩm tăng 4,5 triệu thùng).

Trong tháng 12/2017, tại Libya sự cố nổ đường ống dẫn dầu làm giảm sản lượng từ 70.000 – 100.000 thùng dầu/ngày và tại Biển Bắc, hệ thống ống dẫn Forties có công suất 450.000 thùng dầu/ngày đã tạm ngừng hoạt động để sửa chữa do một vết nứt (Forties là hệ thống đường ống lớn nhất trong 5 đường ống dẫn dầu của Biển Bắc, là cơ sở để xác định giá Brent). Cả 2 đường ống dự kiến sẽ hoạt động ổn định trong tháng 1/2018. 

BSC cũng lưu ý, diễn biến giá dầu có thể dao động giảm do lo ngại sự gia tăng của sản lượng dầu đá phiến khi giá dầu đạt mức 60 USD, kích thích việc quay trở lại hoạt động. Hiện tại số giếng đã khoan mà chưa hoàn thiện (Drilled but uncompleted wells – DUC) đạt 7.354 trong tháng 11/2017, vì một số lý do nên các giếng này chưa được khai thác vì vậy khi giá dầu tăng cao việc đưa các giếng chưa hoàn thiện vào hoạt động sẽ mất ít thời gian hơn so với việc triển khai giếng mới và là tiềm ẩn của rủi ro giá dầu.

Giá dầu được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2018 – 2019. Bên cạnh việc cung cầu đang mất cân bằng và lượng tồn kho dầu giảm, giá dầu tiếp tục cải thiện được hỗ trợ bởi OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 – 31/3/2018.

Trong cuộc họp tháng 11/2017, các bên đã thống nhất kéo dài thỏa thuận đến cuối năm 2018; Diễn biến căng thẳng địa chính trị tại Ả rập Saudi chưa được giải quyết dứt điểm, nước chiếm tới 21,9% dự trữ dầu Thế giới.

Do đó về dự báo giá dầu, BSC dẫn thống kê của Bloomberg, thì giá dầu năm 2018 sẽ khoảng 58 USD/thùng và 2019 trung bình là 60 USD/thùng. Theo báo cáo của HSBC, dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 65 USD/thùng năm 2018 và tăng lên mức 70 USD/thùng năm 2019, tương tự giá WTI đạt mức trung bình 63 USD/thùng năm 2018 và tăng lên mức 68 USD vào năm 2019.

Trương Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên