Giá dầu lại 'biểu tình': Dầu Brent vượt mốc 120 USD/thùng
Thiệt hại do bão tại một đường ống quan trọng ở Biển Bắc cùng tồn kho thấp tại Mỹ là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh.
- 23-03-2022'Niềm hy vọng' Trung Quốc quay lưng, dầu mỏ của Nga đứng trước nguy cơ 'biến mất' khỏi thị trường
- 22-03-2022Những ai hiện vẫn đang mua dầu thô của Nga?
Giá dầu vượt mốc 120 USD sau khi một báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu của nước này giảm xuống. Đồng thời, thiệt hại do bão đối với một đường ống dẫn dầu quan trọng ở Biển Đen làm trầm trọng thêm rủi ro về nguồn cung.
Giá dầu Brent tăng 5% lên mức 121,25 USD/thùng vào đầu giờ sáng ngày 24/3 (giờ Việt Nam). Trước đó có thời điểm giá dầu Brent đã vọt lên mức 128 USD/thùng. Dầu WTI cũng tăng 4,65%, lên mức 114,35 USD/thùng.
Thị trường có phần "hoảng loạn" sau khi có thông tin một đường ống xuất khẩu dầu lớn ở Biển Đen đã tạm dừng hoạt động vận tải, đối mặt với nhiều tuần gián đoạn. Xuất khẩu dầu có thể bị cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường châu Âu. Các tín hiệu tăng giá tiếp tục khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,51 triệu thùng trong tuần trước, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và NATO sẽ họp tại Brussels vào hôm nay (24/3) để bàn về phản ứng tăng cường trước động thái quân sự của Nga. Trước thềm cuộc họp, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Tồn kho dầu của Mỹ và giá dầu WTI.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda cho biết: "Thị trường năng lượng đang xem xét tình hình ngắn và trung hạn. Bạn đang thấy các mức dao động lớn hơn và mức giá 130 USD/thùng cho dầu WTI là điều không quá có có thể xảy ra".
Với việc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, EU đang cân nhắc khả năng cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, mặc dù một số quốc gia thành viên, bao gồm Đức đã phản đối động thái này. Tuy nhiên, nhiều người mua đã tránh xa dầu của Nga. Mới đây nhất, TotalEnergies SE cho biết sẽ ngừng mua dầu Nga vào cuối năm nay, trong khi công ty lọc dầu Nhật Bản Eneos Holdings sẽ tạm dừng các lô hàng mới.
Đơn vị vận hành đường ống Caspian Pipeline Consortium cho biết trên website của mình rằng 2/3 đường ống quan trọng đã bị hư hại đáng kể trong thời tiết xấu gần đây. Nga, nước xuất khẩu một lượng lớn dầu qua đường ống này cho biết xuất khẩu có thể bị cắt giảm 1 triệu thùng/ngày nhưng sự gián đoạn có thể sẽ lớn hơn nếu tất cả chuyến hàng qua cảng này bị dừng lại. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc sửa chữa có thể mất tới 2 tháng.
Với việc nhiều người mua đang "tránh" dầu của Nga, loại dầu Urals hàng đầu của nước này đã giảm giá trong khi một số lô hàng giao tháng 4 đã bị hủy. Điều này làm gia tăng thêm áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, Nga vẫn đang tìm kiếm những khách hàng mới. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua nhiều lô hàng dầu thô Urals trong tháng này, trong khi các nhà máy chế biến tư nhân của Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các lô hàng giảm giá từ phía đông nước Nga.
Nguồn: Bloomberg