Giá dầu lao đao trước 'bão' lãi suất và mối nguy suy thoái kinh tế toàn cầu
Giá dầu thô đánh mất đà tăng do những lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Làn sóng tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn sẽ tiếp tục gây sức ép và có thể khiến cho triển vọng tăng trưởng của thị trường xấu đi thời gian tới.
- 06-07-2022Giá dầu ‘rơi thẳng đứng’ do bán tháo vì lo ngại suy thoái
- 06-07-2022Nghiên cứu hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu tăng
- 05-07-2022Nguyên nhân nào khiến giá dầu và hàng loạt loại hàng hóa khác giảm sâu?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/07, giá dầu thô WTI giảm 0,97% về 98,53 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa thấp hơn 2,02% về 100,69 USD/thùng.
Rủi ro suy thoái lấn át những lo ngại về nguồn cung
Trong nửa đầu năm 2022, giá dầu trải qua một đợt tăng mạnh và phần lớn thời gian vẫn luôn neo ở trên mức 100 USD/thùng. Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài làm gián đoạn nguồn cung dầu thô trên toàn thế giới, cùng với việc các nhà sản xuất lớn như Mỹ, hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khó có thể gia tăng sản lượng khiến cho bài toán nguồn cung khó thể tìm được lời giải.
Nếu như trước đây, tâm điểm thị trường là vấn đề lạm phát, thì chất xúc tác chính đối với thị trường dầu thô hiện nay chính là những lo ngại về suy thoái. Giá năng lượng - vốn là thành phần lớn trong chi phí tiêu dùng của người dân, tăng vọt khiến cho các Ngân hàng Trung ương buộc phải thắt chặt các chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Không chỉ có Mỹ hay Châu Âu, mà lạm phát hiện cũng lan sang cả những nền kinh tế lớn ở Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ. Sau một thời gian dài duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với lãi suất thấp, việc các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất sẽ khiến cho nền kinh tế năng trưởng chậm lại, và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Dầu thô vốn là một nguyên liệu đầu vào quan trọng trong chuỗi sản xuất – tiêu dùng, nên nền kinh tế suy yếu sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu bị cắt giảm.
Vì thế, thị trường dầu thô đang ở trong giai đoạn phản ứng rất mạnh với các tin tức vĩ mô, đặc biệt là số liệu tiêu cực của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Anh hay Liên minh Châu Âu EU. Theo dự báo mới nhất của FedAtlanta, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II có thể tiếp tục giảm 2,1%, và là quý thứ hai liên tiếp với mức tăng trưởng âm. Nếu kịch bản tiêu cực này xảy ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ bước vào suy thoái, và kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ đối với giá dầu.
Không chỉ có Mỹ, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra dự báo Anh hay các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cũng chịu chung những rủi ro này, khi nền kinh tế ở trong trạng thái đình lạm - lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng yếu kém.
Khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đã thay đổi
Bên cạnh những nhà kinh doanh và giao nhận hàng vật chất, hợp đồng tương lai dầu thô cũng là một kênh đầu tư phổ biến với nhiều nhà giao dịch. Vì thế, diễn biến của giá dầu chịu tác động rất nhiều bởi nhu cầu đầu tư và chuyển động dòng tiền liên thị trường.
Trước làn sóng tăng lãi suất ồ ạt của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, thị trường dầu cũng gặp sức ép rất nhiều bởi chi phí đầu tư tăng và nguồn cung tiền không còn dồi dào như trước. Hiện cả giá dầu Brent và dầu WTI đều được niêm yết giá bằng đồng USD, nên việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt tiền tệ để củng cố vị thế của đồng bạc xanh đã gây sức ép rất nhiều lên giá dầu.
Chỉ số Dollar Index hiện đã tăng lên mức 107,1 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 12/2002. Điều này đã khiến cho chi phí kinh doanh hàng vật chất, cũng như chi phí đầu tư dầu thô tăng lên, và làm giảm sức mua trên thị trường
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đang khiến cho các nhà đầu tư gia tăng sức bán để nâng tỷ trọng tiền mặt, hoặc cơ cấu những tài sản rủi ro sang các loại tài sản khác an toàn hơn như trái phiếu Chính phủ.
Có thể thấy, việc các Ngân hàng Trung ương đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất sẽ khiến cho cả nhu cầu tiêu thụ và nhu cầu đầu tư dầu thô sụt giảm, và ngày càng đẩy giá dầu về các mức thấp hơn.
Liệu giá dầu có còn cơ hội quay lại đỉnh cũ trong tháng 7?
Việc giá năng lượng neo ở mức cao trong suốt quý II đã dần khiến cho người tiêu dùng chủ động cắt giảm mức tiêu thụ, nên nhiều khả năng những tin tức về việc nguồn cung bị thắt chặt sẽ không còn khiến cho giá bứt phá mạnh mẽ như giai đoạn trước.
Thay vào đó, các nhà đầu tư hiện đang rất chú ý tới các tin tức vĩ mô, phản ánh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, cũng như các đợt tăng lãi suất sắp tới của các Ngân hàng Trung ương. Trong tháng 7, cả Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đều sẽ tiến hành tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, và đây tiếp tục là một yếu tố gây sức ép đối với giá dầu.
Nhiều nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ với giá dầu thô và trở thành một chất xúc tác đủ mạnh với thị trường dầu. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh hiện vẫn đang đặt mục tiêu chống dịch lên làm ưu tiên hàng đầu nên các nhà chức trách có thể sẽ tiếp tục thận trọng và chưa tiến hành mở cửa hay thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Có thể thấy, với các tin tức như hiện nay, giá dầu sẽ khó có thể tìm về các mức đỉnh cũ được thiết lập trong năm nay. Mặc dù vậy, đây sẽ là tin rất vui đối với người tiêu dùng trong nước, bởi giá dầu thô thế giới giảm sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ chi phí đi lại của người dân.