Giá dầu sắp chạm mức cao nhất 3 năm do thiếu cung nghiêm trọng
Giá dầu liên tiếp tăng trong những phiên gần đây, hiện đang sát mức cao kỷ lục 3 năm do nhà đầu tư chuyển hướng tập trung vào những tài sản rủi ro trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt và hy vọng nhu cầu nhiên liệu hồi phục sau đại dịch.
- 24-09-2021Thị trường ngày 24/9: Giá dầu lên mức cao nhất 2 tháng, thiếc, cà phê tăng mạnh trong khi vàng giảm 1%
- 23-09-2021Thị trường ngày 23/9: Giá đồng tăng gần 4%, dầu và các hàng hóa khác đồng loạt leo cao
Hàng loạt các yếu tố đang diễn ra đều có tác động tích cực lên giá dầu. Tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm do sản lượng ở Vịnh Mexico bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 cơn bão lớn liên tiếp. Thị trường bắt đầu dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu cung dầu, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng khí đốt và than đá.
Giá dầu Brent sáng thứ Sáu (24/9) theo giờ Việt Nam tăng 40 cent, tương đương 0,5% lên 77,65 USD/thùng, tiến sát mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Phiên liền trước (23/9), giá dầu Brent kết thúc đã tăng ,06 USD, tương đương 1,4%, lên 77,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng Bảy.
Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) sáng 24/9 cũng tăng 27 cent, tương đương 0,4% lên 73,57/thùng. Phiên liền trước (23/9), dầu WTI kết thúc ở mức giá tăng 1,07 USD, tương đương 1,5%, lên 73,30 USD/thùng, cao nhất kể từ đầu tháng 8.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA cho biết: "Giá dầu thô dường như đang trên đà tăng và tăng không ngừng".
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Thực tế đang diễn ra - ngày càng có nhiều người nói về việc lượng dầu tho dự trữ trên toàn cầu đang bị thắt chặt dần và lo ngại về khả năng thiếu cung nghiêm trọng vào mùa đông". Ông thêm rằng tình trạng thiếu cung có thể sẽ còn xấu đi nữa do Nhà Trắng có quan điểm cứng rắn hơn với Iran.
Giá dầu thô gần đây liên tiếp tăng. Phiên liền trước (22/9), giá cả 2 loại dầu trên đều tăng 2,5%, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo các kho dự trữ dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 17 tháng 9 giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu - mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2018.
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang tăng mạnh, đó là tỷ lệ sử dụng công suất tại các nhà máy lọc dầu ở Bờ Đông nước Mỹ đã tăng lên 93%, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2019, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.
Một yếu tố nữa cũng góp phần đẩy giá tăng, đó là việc một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi là OPEC+) đang rất chật vật để tăng sản lượng sau nhiều năm đầu tư thấp hoặc trì hoãn công việc bảo trì trong thời kỳ đại dịch.
Hôm thứ Tư (22/9), Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết OPEC + đang nỗ lực để giữ giá dầu thô ở mức gần 70 USD/thùng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Nhóm này sẽ họp vào ngày 4 tháng 10 để bàn về mức sản lượng trong thời gian tiếp theo.
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng cao kỷ lục cũng tác động lây lan tới giá dầu. Các nhà phân tích của ANZ cho biết: "Việc thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt có thể khuyến khích các công ty điện lực chuyển từ khí đốt sang dầu mỏ nếu mùa đông năm nay thời tiết lạnh hơn".
Giá khí đốt tự nhiên đã tăng trên toàn cầu trong những tháng gần đây do nhiều yếu tố bao gồm nhu cầu gia tăng, đặc biệt là từ châu Á khi khu vực này phục hồi sau đại dịch, tồn kho khí đốt thấp và nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt.
Khả năng xuất khẩu của Iran phụ thuộc một phần vào việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cánh cửa đàm phán vẫn mở, nhưng Tehran không cho biết liệu họ có sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán ở Vienna hay không, thông tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Đồng đô la, thường có mối quan hệ nghịch đảo với giá hàng hóa, giảm từ mức cao nhất một tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu rằng họ sẽ sớm bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng và tạo tiền đề cho việc nâng dần lãi suất vào năm tới, đồng thời cho biết quá trình siết chặt chính sách tiền tệ sẽ diễn ra từ từ.
Nhà phân tích Barbara Lambrecht của Commerzbank cho biết: "Ngân hàng trung ương Mỹ" đã báo trước về ý định cắt giảm các chương trình kích thích của mình, qua đó khẳng định sự lạc quan về kinh tế - yếu tố sẽ dẫn đến nhu cầu dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh".
Dữ liệu của EIA hồi đầu tuần cho thấy tồn kho dầu của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm sau khi hai cơn bão liên tiếp gây thiệt hại cho sản xuất dầu của Mỹ, đặc biệt là cơn bão Ida hồi đầu tháng 9, khiến cho ngành dầu Mỹ phải đóng cửa công suất sản xuất tương đương 1,7 triệu thùng/ngày (80% sản lượng dầu ở Vịnh Mexico) trong nhiều tuần, khiến cho các nhà máy lọc dầu ở Louisiana phải mất vài tuần nữa để khởi động lại, tạo ra một ‘lỗ hổng’ lớn hơn trong kho dự trữ dầu vốn đã giảm của Mỹ.
Tình trạng thiếu hụt dầu thô của Mỹ nghiêm trọng đến mức các nhà phân tích và thương nhân cho biết, các nhà máy lọc dầu Mỹ đang săn lùng nguồn cung thay thế cho dầu thô vùng Vịnh Mỹ sau những tổn thất do mấy cơn bão liên tiếp gây ra, bằng cách chuyển sang sử dụng dầu Iraq và Canada. Cũng trong hoàn cảnh thiếu cung, các nhà máy lọc dầu Châu Á đang phải tìm kiếm dầu thô Trung Đông và Nga.
Royal Dutch Shell, nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ ở Vịnh Mexico, tuần này cho biết thiệt hại ở một cơ sở trung chuyển ngoài khơi sẽ khiến nguồn cung dầu thô Mars bị hạn chế tới đầu năm 2022. Loại dầu chua Mars của Mỹ được sử dụng nhiều bởi các công ty và nhà máy lọc dầu vùng Vịnh Mỹ, đồng thời cũng được sử dụng nhiều bởi các nhà máy lọc dầu Hàn Quốc và Trung Quốc, hai thị trường xuất khẩu dầu thô hàng đầu của Mỹ.
Mỹ hiện xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, hầu hết từ Bờ Vịnh nước này. Với nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại như mức trước đại dịch, các nhà máy lọc dầu nước này sẽ cần rất nhiều dầu thô để đáp ứng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước. Một khi một nước xuất khẩu dầu thô phải tìm nguồn cung ứng từ bên ngoài, có thể thấy rõ tương lai của thị trường dầu sắp tới sẽ là thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng, và giá dự báo sẽ còn leo cao hơn nữa.
Tham khảo: Reuters