MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu sẽ thế nào trong thời gian tới?

23-06-2020 - 08:59 AM | Thị trường

Giá xăng dầu thế giới đang trong xu hướng tăng, chủ yếu do OPEC+ nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày thêm một tháng (tới hết tháng 7/2020) và có khả năng sẽ được kéo dài thêm nữa. Các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau thời gian "đóng băng" do Covid-19, giúp nhu cầu dầu hồi phục dần, và điều đó cũng góp phần đẩy giá xăng dầu tăng lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, giá dầu trong chu kỳ tiếp theo sẽ trung bình dưới 60 USD/thùng để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả nhà sản xuất (nhất là các nhà sản xuất dầu đá phiến) cũng như người tiêu dùng (tiêu thụ tăng nhưng với tốc độ chậm).

Hãng BP mới đây thông báo giá dầu tính toán trong chiến lược đầu tư dài hạn (2021 – 2050) đã bị cắt giảm xuống trung bình 55 USD/thùng đối với dầu Brent (giá trị thực). Giải thích về lý do hạ giá này, BP cho rằng tác động của Covid-19 đối với tiêu thụ dầu có thể sẽ còn kéo dài, và thế giới đang có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng những năng lượng có mức độ khí thải thấp.

Dự báo này của BP phù hợp với các mục tiêu trong Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.

Một số chuyên gia dự báo giá dầu sẽ đạt trên 60 USD/thùng, nhưng cũng thừa nhận rằng mức giá đó thiếu cơ sở để duy trì bền vững, vì ở mức trên 60 USD/thùng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất, nhất là Mỹ, tăng sản lượng lên vượt xa mức tiêu thụ.

Các nhà sản xuất dầu mỏ Nga cũng nhận định, về dài hạn, giá dầu nên ở mức dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thể chỉ 50 USD/thùng, để họ có thể duy trì thị phần của mình. Trái lại, Saudi Arabia và một số đồng minh thân cận có vẻ vẫn đang nhắm tới mục tiêu giá cao hơn, từ 70 USD/thùng trở lên. Tuy nhiên đó là mong muốn mức giá trong ngắn hạn.

Chính khoảng cách mục tiêu giá của Nga và Saudi Arabia chênh nhau quá xa đã khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ hồi đầu năm nay bị phá vỡ, dẫn tới sự bùng nổ cuộc chiến về sản lượng trong ngắn hạn (tháng 3 – 4/2020). Cho tới nay, hai nhà xuất khẩu dầu này vẫn đang "đình chiến" để phối hợp chống lại tình trạng dịch Covid-19 gây suy giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu mỏ. Ngoài ra, áp lực chính trị từ Mỹ, nơi các nhà sản xuất dầu đá phiến bị tổn thương nghiêm trọng, cũng buộc Nga và Saudi Arabia phải đình chiến.

Nhưng những điều kiện cơ bản cả về sản xuất và tiêu thụ - đã từng dẫn tới cuộc chiến về sản lượng – vẫn còn đó, và căng thẳng có thể xuất hiện trở lại trong vài năm tới, nếu giá dầu tăng lên trên 60 USD/thùng. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định, Saudi Arabia và các đồng minh thân cận của họ có thể phải chấp nhận mức giá 50 – 60 USD/thùng, thay vì 70 - 80 USD như họ mong muốn để thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể bền vững.

Vai trò "Át chủ bài" của Mỹ

Sản xuất xăng dầu của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 8- 11% mỗi năm trong suốt một thập kỷ (từ 2009 đến 2019), trong khi sản xuất của các nước còn lại trên thế giới tăng trung bình chỉ 0,3-0,6%, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Kết quả của sự tăng trưởng không đồng đều đó là thị phần của Mỹ trong sản lượng xăng dầu toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ 7-11% năm 2009 lên 15-19% vào năm 2019. Tỷ lệ tăng này nhanh hơn nhiều so với mức tăng tiêu thụ xăng dầu của toàn cầu (trung bình chỉ 1,4% mỗi năm kể từ 2009, theo tính toán của BP). Do đó, các nhà sản xuất dầu Mỹ đã chiếm khoảng 2/3 đến 3/4 tổng mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong vòng 10 năm qua, phần còn lại cho tất cả những nước sản xuất xăng dầu còn lại là rất ít.

Trong những năm đầu ngành dầu đá phiến của Mỹ mới bùng nổ - khi ngành này chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong thị trường dầu thô toàn cầu, sản lượng của Mỹ có thể tăng nhanh hơn nhiều so với sản lượng của các đối thủ cũng như so với tốc độ tiêu thụ xăng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi dầu đá phiến của Mỹ đã chiếm 15-20% thị phần sản lượng và tiêu thụ dầu toàn cầu, dầu đá phiến của Mỹ không thể tiếp tục tồn tại hoặc tăng trưởng mà không gây áp lực lên các nhà sản xuất khác, cũng như lên giá dầu.

Trong một hệ thống phức tạp như thị trường dầu mỏ, một thành phần chính không thể tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ hệ thống vì điều đó sẽ phá vỡ sự ổn định chung của cả hệ thống.

Nhưng thực tế, sản xuất dầu của Mỹ đã tăng nhanh hơn so với sản lượng của những nước còn lại cũng như so với tiêu thụ dầu toàn cầu hàng năm, ngoại trừ năm 2016. Tốc độ tăng sản lượng dầu Mỹ sẽ càng nhanh hơn nữa khi giá dầu Brent đạt trung bình từ 64 USD/thùng trở lên.

Sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, Mỹ cùng với Saudi Arabia và Nga hiện chiếm hơn 40% tổng sản lượng xăng dầu toàn cầu.

Tóm lại, giá dầu luôn có tính chu kỳ, và mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn vài USD là ngưỡng quan trọng đối với thị trường dầu mỏ trong vòng một thập kỷ qua. Để đảm bảo sản lượng tăng trưởng phù hợp với tiêu thụ và thị phần được chia sẻ công bằng và bền vững giữa 3 nhà cung cấp (Mỹ, Saudi Arabia và Nga), giá dầu nên ở mức trung bình từ 60 USD trở xuống trong chu kỳ tiếp theo.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên