Giá dầu sẽ xuống dưới 30 USD/thùng?
Sự sụp đổ của thỏa thuận OPEC+ làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu bị giảm mạnh bởi sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch virus Covid-19, làm tê liệt chuỗi cung ứng và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
- 12-03-2020"Tiếp bước" Saudi Arabia, ba thành viên OPEC khác giảm giá dầu
- 11-03-2020Cuộc chiến giá dầu tiếp tục nóng lên với các tuyên bố tăng sản lượng khổng lồ của cả Ả Rập Xê Út và Nga
- 10-03-2020Tại sao giá dầu lại giảm đột ngột và điều này có nghĩa là gì?
Trong những tháng tới, giá dầu sẽ tiếp tục giữ ở gần mức thấp như hiện nay do thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa những nhà sản xuất dầu lớn nhất sụp đổ gây cản trở thị trường vốn đã quay cuồng vì nhu cầu giảm do dịch bệnh, theo một cuộc khảo sát của Reuters hôm 13/3.
Các nhà phân tích đã cắt giảm dự báo về giá dầu Brent loại LCOc1 xuống còn 42 USD/thùng trong năm nay so với 60,63 USD theo dự báo trước đó.
Mức giá trung bình toàn cầu dự kiến sẽ khoảng 34,87 USD/thùng trong quý II và 39,05 USD/thùng trong quý III và đạt mức 44,08 USD/thùng trong quý cuối cùng của năm nay. Cũng theo khảo sát này, dầu thô CLc1 của Mỹ được dự báo sẽ đạt 30,37 USD/thùng trong quý II và trung bình khoảng 37 USD trong năm nay.
"Không có sự đồng thuận về sản lượng của khối OPEC+, thị trường dầu mỏ toàn cầu mất đi sự điều tiết và giá sẽ duy trì ở mức tối thiểu trong vài quý tới. Cả dầu thô Brent và West Texas Middle (WTM) có thể sẽ xuống dưới mức 30 USD/thùng", theo Edward Moya - nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới OANDA.
Hợp đồng tương lai dầu thô đã giảm hơn 30% hôm 9/3, sụt giảm mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) thất bại trong thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng.
Trong cuộc chiến giá cả và cuộc đua giành thị phần, Ả Rập Xê Út đã giảm giá bán chính thức cho các loại dầu thô của mình và lên kế hoạch sản xuất kỷ lục vào tháng 4 tới.
"Động thái của Ả Rập Xê Út trong việc tăng sản lượng và cung cấp dầu thô với mức chiết khấu lớn là một nỗ lực trừng phạt và gây áp lực cho Nga, đồng thời bóp nghẹt ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ và nhiều nhà sản xuất có chi phí cao khác", Florent Pelé từ Hiệp hội Generale nhận định.
Trong khi đó, các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ đã vội vã cắt giảm chi tiêu và sản lượng trong tương lai.
Sự sụp đổ của thỏa thuận OPEC+ làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu bị giảm mạnh bởi sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch virus Covid-19, làm tê liệt chuỗi cung ứng và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Nhu cầu về dầu trên toàn cầu dự kiến sẽ đánh dấu lần giảm mạnh hàng quý đầu tiên kể từ năm 2009, với hầu hết các nhà phân tích dự đoán mức giảm từ 0,8 triệu thùng đến 4 triệu thùng mỗi ngày trong nửa đầu năm 2020. Trong năm nay, tăng trưởng nhu cầu dự kiến khiêm tốn ở mức là 0,1-0,5 triệu thùng mỗi ngày.
Dự báo thị trường dầu thậm chí còn khủng khiếp hơn hồi tháng 11/2014, khi một cuộc chiến giá cả như vậy bắt đầu, đây là lần giảm mạnh nhất với sự sụp đổ đáng kể về nhu cầu dầu do đại dịch virus Covid-19.
Tham khảo: Reuters