Giá dầu "sôi" năm 2017, liệu 2018 có tiếp tục tăng?
Giá dầu tăng cao trong những ngày cuối cùng của năm 2017 do nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cắt giảm lượng cung kết hợp với nhu cầu thế giới gia tăng.
Tuy nhiên, 2018 lại là một câu chuyện khác. Các nhà quan sát thị trường nhận thấy có hai quan điểm trái chiều về triển vọng dầu thô trong năm tới, theo đó sẽ ảnh hưởng đến giá dầu theo hai hướng hoàn toàn khác nhau.
Giá dầu của Mỹ đã đóng cửa trên mức 60 USD/thùng vào ngày giao dịch cuối cùng của năm, ngưỡng cao nhất kể từ năm 2015. Kết thúc năm 2017, vàng đen ghi nhận mức tăng 12% do nhu cầu mạnh mẽ và hàng tồn kho toàn cầu giảm.
Giá dầu Brent trong khi đó chốt năm tăng 17%, được hỗ trợ bởi sự cắt giảm cung cấp liên tục của các nhà sản xuất hàng đầu OPEC và Nga cũng như nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Tháng trước, OPEC đã đồng ý mở rộng thỏa thuận cắt giảm cung cho đến cuối năm 2018, khiến một số nhà phân tích tiếp tục lạc quan về dầu mỏ. Tuy nhiên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, dự báo sản lượng dầu đá phiến sẽ tăng lên vào năm 2018 và sau đó, nếu có, điều này sẽ giới hạn bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào của giá dầu trừ khi OPEC có phản ứng mạnh mẽ từ việc cắt giảm nguồn cung.
Giá dầu đã phục hồi tốt kể từ khi đạt mức thấp nhất vào tháng 6 năm 2017, được hỗ trợ bởi sự cắt giảm nguồn cung toàn cầu của OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC.
Cung sẽ dồi dào
Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho biết, sản lượng dầu trung bình năm 2018 sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử xăng dầu Mỹ.
Trong báo cáo về triển vọng năng lượng ngắn hạn hàng tháng, cơ quan này dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 780.000 thùng / ngày (bpd) lên 10.02 triệu thùng / ngày vào năm 2018. Tháng trước, dự báo sẽ tăng 720.000 thùng/ngày trong năm nay lên 9,95 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng sẽ chỉ đạt 10 triệu thùng/ngày trong quý IV năm 2018.
Các nhà phân tích và thương nhân cho rằng sự gia tăng nguồn cung của Mỹ có thể gây áp lực giảm giá trong năm tới, đặc biệt là nếu nhu cầu không tiếp tục tăng.
EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô năm 2017 sẽ tăng 380.000 thùng/ngày so với 370.000 thùng / ngày trước đó.
Cơ quan này nói thêm rằng nhu cầu dầu của Mỹ năm 2017 đang trên đà tăng lên 160.000 thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo trước đó. Trong năm 2018, tăng trưởng nhu cầu dầu cũng không thay đổi ở mức 410.000 thùng/ngày.
Giá có thể tăng trong nửa đầu năm 2018
Thị trường tỏ ra khá lạc quan trong nửa đầu năm 2018 với thông tin Ả rập Saudi tiếp tục ý định tư nhân hóa một phần công ty Saudi Aramco, công ty dầu quốc doanh, trong một đợt chào bán công khai lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến vào cuối năm 2018.
Như vậy, nước này sẽ có động lực để giữ giá bán cao. Rủi ro đối với triển vọng này có thể xảy ra nếu Nga ngừng hợp tác cắt giảm lượng cung.
Và chững lại vào nửa sau năm 2018
Tuy nhiên, có một vài lý do khiến giá dầu có khả năng giảm trở lại vào cuối năm tới, xuống khoảng 58-61 USD/thùng dầu thô Brent.
Thứ nhất, khi việc bán cổ phần Saudi Aramco diễn ra, người Ả-rập sẽ phải đối phó với tình hình tài khóa của riêng họ bởi cắt giảm lượng cung sẽ gây ra một lỗ hổng trong ngân sách của nước này và làm tình trạng tài chính bất ổn.
Thứ hai, mặc dù mức tăng sản lượng đá phiến của Mỹ có vẻ chậm lại, nhưng động lực giành thị phần và hoạt động của các giàn khoan lại khá cao. Một khi đất nước giàu có này từ bỏ quyết tâm cắt giảm lượng cung, thị trường sẽ lại đối mặt với tình trạng dư thừa một lần nữa.
Tuy nhiên, sự suy giảm mạnh của giá có vẻ sẽ không xảy ra vào năm 2018, bởi nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục cải thiện, và nhận được hỗ trợ rộng rãi. Các chuyên gia kỳ vọng giá dầu vào cuối năm 2018 sẽ đạt 59 USD/thùng đối với dầu Brent.
Nhịp sống kinh tế