Giá dầu tăng 10%/tuần, giới phân tích cho rằng lẽ ra phải tăng mạnh hơn nữa
Giá dầu đã tăng khoảng 10% trong tuần này giữa bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại Israel có thể phát động một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.
- 04-10-2024Thị trường ngày 04/10: Dầu tăng vọt, vàng ổn định, gạo lao dốc
- 02-10-2024Quốc gia OPEC là ‘ông trùm’ bán dầu thô cho Việt Nam: Cung cấp 86% sản lượng, người dân ngồi trên hơn 100 tỷ thùng dầu
Mặc dù giá đã tăng mạnh, nhiều nhà quan sát thị trường vẫn tỏ ra ngạc nhiên bởi cho rằng giá lẽ ra phải tăng mạnh mẽ hơn nữa nếu xét đến những mối nguy hiện tại liên quan đến thị trường dầu mỏ.
Dầu Brent kết thúc tuần ở mức khoảng 80 USD/thùng, trong khi dầu WTI khoảng 75 USD/thùng, sau một tuần tăng giá mạnh nhất kể từ khi OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng cách đây 2 năm.
Cả 2 loại dầu đều tăng hơn 5% trong phiên thứ Năm (3/10), sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng Nhà Trắng đang đàm phán với Israel về việc họ có ủng hộ cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran hay không. "Chúng tôi đang thảo luận về điều đó", ông Biden cho biết vào thứ năm, khiến giá dầu thô kỳ hạn tương lai tăng vọt ngay lập tức.
Các nhà phân tích năng lượng đang đặt câu hỏi liệu thị trường dầu mỏ có đang đánh giá quá thấp về rủi ro xung đột lan rộng ở Trung Đông hay không, đặc biệt là khi hậu quả có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu từ khu vực xuất khẩu chính này.
Iran, một thành viên của OPEC, là một thành phần quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày. Ước tính có tới 4% nguồn cung toàn cầu có thể gặp rủi ro nếu Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết sản lượng của Iran giảm liên tục có thể khiến giá dầu tăng 20 USD/thùng, trong khi ngân hàng Thụy Điển SEB trong một kịch bản cực đoan cảnh báo rằng giá dầu thô kỳ hạn tương lai có thể tăng lên hơn 200 USD/thùng.
Đối với một số nhà phân tích, lý do giá dầu thô vẫn chưa tăng cao hơn nữa là vì thị trường dầu đang ở trạng thái bán khống. Đó là một chiến lược giao dịch mà nhà đầu tư hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận nếu giá trị thị trường của một tài sản giảm.
"Vị thế bán khống rất lớn, không chỉ là dầu mỏ, mà bạn [cũng] thấy điều này xảy tra trên thị trường cổ phiếu. Nhìn chung, các nhà đầu tư không thích bức tranh thị trường hiện tại. Tại sao? Họ lo ngại về tình trạng dư cung dầu lớn vào năm tới", Jeff Currie, giám đốc chiến lược năng lượng tại Carlyle, cho biết.
"Nếu nhìn vào tình hình hiện nay, bức tranh hoàn toàn khác biệt: Lượng tồn trữ thấp, đường cong giá cả bị đảo ngược, nhu cầu ở mức trung bình, Trung Quốc vừa đưa ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, và OPEC+ vẫn đang cắt giảm sản lượng,” Currie cho biết.
“Trên hết, cuộc xung đột tiềm tàng ở Trung Đông có thể phá hủy một số cơ sở năng lượng, vì vậy triển vọng trong ngắn hạn của thị trường dầu mỏ là tích cực, điều đó giải thích lý do tại sao giá dầu tăng mạnh, nhưng nó cũng đang bị đè nặng ở phía sau do lo ngại về tình trạng dư cung rất nhiều dầu,” ông Currie nói thêm.
Thị trường thực sự đang bị đảo ngược, hoặc trong tình trạng đảo ngược, khi giá dầu kỳ hạn tương lai thấp hơn giá giao ngay. Cấu trúc ngược này được gọi là contango.
Thị trường đang bán quá mức
Amrita Sen, nhà sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects, đồng tình với quan điểm của ông Currie. “Thị trường đang bán quá mức. Chúng ta trước đây chưa bao giờ chứng kiến mức bán khống kỷ lục như hiện nay”, ông Sen cho biết.
Nhiều nhà giao dịch dầu mỏ dường như đã có quan điểm bi quan và tin rằng đợt tăng giá kích thích của Trung Quốc sẽ không khôi phục được niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, những người tham gia thị trường cũng có xu hướng kỳ vọng OPEC và các đồng minh không thuộc OPEC sẽ tăng sản lượng dầu vào cuối năm nay.
Thị trường cơ bản không hỗ trợ giá dầu tăng mạnh
Tuần này, giá dầu biến động mạnh mẽ nhất là vào thứ Năm, khi giá tăng vọt hơn 5% sau bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về động thái trả đũa có thể xảy ra từ phía Israel sau cuộc tấn công từ phía Iran bằng tên lửa đạn đạo vào đầu tuần.
Tamas Varga, nhà phân tích thuộc công ty môi giới dầu mỏ PVM, hôm thứ năm nói rằng thị trường dầu mỏ đang định giá một số khoản phí bảo hiểm rủi ro do những lo ngại về địa chính trị.
"Đây là lý do tại sao giá dầu từ vững đến tăng trong khi cổ phiếu đang suy yếu và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, những lo ngại này sẽ giảm đáng kể trong những ngày tới, ngoại trừ khi nguồn cung dầu từ khu vực hoặc lưu lượng qua Eo biển Hormuz bị ảnh hưởng đáng kể", ông Varga phân tích.
Nằm giữa Iran và Oman, Eo biển Hormuz là tuyến đường thủy hẹp nhưng có tầm quan trọng chiến lược, nối liền các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường chính trên toàn thế giới.
Nhà phân tích Varga cho rằng: "Theo kịch bản này, các yếu tố cơ bản sẽ lại trở thành động lực thúc đẩy, nhưng những yếu tố cơ bản này hiện tại không hề đáng khích lệ".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Ba đã cam kết sẽ đáp trả bằng vũ lực đối với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran.
Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa chính tại SEB, cho biết thị trường dầu ổn định một cách đáng ngạc nhiên mặc dù có rủi ro rất lớn.
Ông Schieldrop dự đoán giá dầu thô Brent sẽ chủ yếu giao dịch trong khoảng từ 80 đến 85 USD/thùng trong 18 tháng tới hoặc lâu hơn nữa. Ông mô tả mức tăng giá dầu gần đây là “rất ít ỏi”, đặc biệt là xét đến “các kịch bản có khả năng (ngành dầu thô ở Trung Đông bị tàn phá)”.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường