MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu tăng, các ông lớn dầu khí chuyển hướng chú trọng vào sản lượng thay vì lợi nhuận

06-09-2018 - 12:37 PM | Tài chính quốc tế

Cần hiểu rằng việc kiểm soát sản phẩm mới là tiền đề thu về lợi nhuận trong tương lai.

Sự phục hồi của giá dầu thô đang giúp các ông lớn ngành năng lượng thu về khoản lợi nhuận cao hơn trong quý II, nhưng xét cho cùng thì sản lượng dầu mỏ và khí đốt các công ty sản xuất được mới là yếu tố quyết định thành công.

Với ExxonMobil, công ty có năng suất thấp nhất trong các công ty hàng đầu, các lợi ích từ giá dầu tăng cao đã bị triệt tiêu bởi thực trạng sản lượng dầu mỏ và khí đốt quý II lại sụt giảm 7% so với cùng kì năm ngoái.

Paul Sankey, chuyên gia phân tích của Mizuho ở New York, mô tả kết quả kinh doanh của Exxon là một cú sốc và cho rằng qui mô sản lượng nhấn mạnh sự cần thiết của nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới này với các dự án tốc độ cao.

Công ty này, từng được biết đến với chiến lược chú trọng vào chi phí và khả năng hoàn vốn, hiện đang mạnh tay tiêu tiền với mức chi tiêu tăng đến 68% so với cùng kì năm ngoái. Hãng đang chú trọng việc đẩy mạnh sản lượng ở Vịnh Permian thuộc Hoa Kỳ và bờ biển mới được khám phá ở Guyana, nhưng nhiều dự án dự kiến sẽ chưa thể mang lại nguồn cung dầu cho đến đầu những năm 2020.

Neil Chapman, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm thành viên HĐQT Exxon, nhấn mạnh công ty đang chú trọng vào "chất" hơn là "lượng". Đây đã là câu thần chú của nền công nghiệp này suốt ba năm qua. Nhưng các nhà đầu tư hiện đang trông đợi sản lượng sẽ tăng trưởng.

Ông Sankey bổ sung: "Rất ít nhà đầu tư có thể kiên nhẫn chờ thêm 5 năm hoặc lâu hơn nữa".

Những lo ngại này đã gây thiệt hại cho giá cổ phiếu của Exxon, giảm xuống mức thấp hơn cả lần cuối cùng giá dầu thô dưới 40 USD/thùng năm 2016.

Giá dầu tăng, các ông lớn dầu khí chuyển hướng chú trọng vào sản lượng thay vì lợi nhuận - Ảnh 1.

Nhìn tổng thể thì trong nhóm Big Oil gồm BP, Shell, Exxon Mobil, Total và Chevron, không phải sản lượng công ty nào cũng thấp. Nhiều công ty ghi nhận mức tăng sản lượng dù vẫn giữ chi phí trong tầm kiểm soát. Ông lớn dầu khí của Pháp, Total, vượt trội hơn cả với mức tăng gần 9% so với cùng kì năm 2017, ghi nhận mức kỉ lục nhờ khoản đầu tư của công ty trong thời kỳ suy thoái bước đầu thu nhận những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, Virendra Chauhan, chuyên gia phân tích của Energy Aspects, cho biết "dòng tiền tự do và xu hướng chuộng sản phẩm hóa lỏng đang ứ đọng" trong thị trường này.

Cần hiểu rằng việc kiểm soát sản phẩm mới là tiền đề thu về lợi nhuận trong tương lai, tuần trước BP thông báo thỏa thuận trị giá 10,5 tỷ USD với BHP về nguồn đá phiến của họ ở Mỹ. Thỏa thuận lớn nhất của hãng trong 20 năm qua sẽ thúc đẩy sản lượng, đã tăng thêm 1% trong quý II vừa qua.

Alisa Lukash, chuyên gia phân tích của Rystad Energy, cũng bổ sung rằng thỏa thuận với BHP chiếm khoảng 10% tổng nguồn khai thác dầu của BP: "Nguồn tài nguyên này đặc biệt quan trọng đối với những nỗ lực của BP trong việc duy trì tổng sản lượng đến năm 2025."

Christyan Malek, người đứng đầu nhóm nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt của JPMorgan ở London, cho biết giá dầu hồi phục đạt mức 70 USD/thùng, các công ty — và nhà đầu tư — đang bắt đầu tập trung trở lại vào việc sản xuất dầu để củng cố toàn bộ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận cho các cổ đông.

Ông Malek cho biết: "Họ đang chú trọng vào việc tăng sản lượng như là cách để đạt được mục tiêu dòng tiền mà họ đặt ra và khoản lợi nhuận họ hứa hẹn với các nhà đầu tư."

Ông Malek nhận định với tiền lệ của ExxonMobil, hầu hết các ông lớn ngành năng lượng cho thấy họ có khả năng thúc đẩy sản lượng nhanh chóng kể cả khi vốn đầu tư ít hơn trước.

Ông Malek nói: "Chúng tôi đều cho rằng sản lượng sẽ sụt giảm mạnh kể từ khi Big Oil cắt giảm chi tiêu năm 2014. Nhưng điều này đã không xảy ra. Đa phần các công ty đều dựa vào thực lực của họ để đẩy mạnh sản lượng."

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, một vài nhà phân tích nền công nghiệp này nhận định việc sản lượng tăng bắt nguồn từ lĩnh vực khí đốt và nhờ các khoản đầu tư ngắn hạn, như lĩnh vực đá phiến của Mỹ, gây ra những bất ổn hơn cả việc phát triển trên qui mô lớn những năm trước đây.

Không rõ liệu sản lượng đá phiến của Mỹ có thể tạo ra nguồn tiền tương tự trong thời gian dài hơn hay không. Nếu giá tăng trở lại, sẽ cần đến những khoản đầu tư để duy trì sản lượng.

Sản lượng của các công ty lớn cũng cho thấy những minh chứng liệu sự sụt giảm đầu tư sau cú lao dốc giá dầu năm 2014, đặc biệt ở các dự án dầu thô truyền thống và dài hơi, có dẫn đến một cuộc khủng hoảng sản lượng hay không.

Ben van Beurden, GĐĐH Shell, cho biết những khoản đầu tư lớn hơn tập trung vào sản lượng trong tương lai là điều cần thiết nhưng nó sẽ chỉ được hiện thực hóa khi nguồn tiền này "chắc chắn sinh lời".

Ở thời điểm hiện tại, ông cho rằng nguyên tắc cung-cầu cơ bản về ngắn hạn là "đẩy giá dầu lên cao", đồng thời cũng kì vọng "sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng nguồn cung thật sự . . .và tạo ra đủ nguồn cung mới tương ứng với khoản đầu tư mới nhất".

Minh Trang

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên