Giá dầu thế giới sụt mạnh khi OPEC bắt đầu bàn việc kéo dài thời hạn nâng sản lượng
Giá dầu thô trên thị trường thế giới hôm nay quay đầu giảm mạnh do nhà đầu tư tạm dừng giao dịch để chờ xem các nước sản xuất trong nhóm OPEC+ sẽ quyết định ra sao về việc cắt giảm sản lượng để giúp cân bằng thị trường. Mặc dù giảm ở phiên này, song hy vọng về vắc xin Covid-19 vẫn khiến giá dầu thô tăng hơn 1/5 trong tháng 11.
- 30-11-2020Vì sao OPEC+ vẫn tính chuyện kéo dài thời gian giảm sản lượng dù giá dầu tăng nhanh?
- 25-11-2020Vết thương của dầu mỏ đang lành dần nhờ vắc-xin Covid-19
Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London - sẽ đáo hạn ở cuối phiên hôm nay 30/11 - đã giảm 0,01 USD (2,1%) xuống 47,17 USD/thùng, kỳ hạn tháng 2/2021 giảm 96 US cent xuống 47,29 USD/thùng; dầu tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 86 US cent (1,9%) xuống 44,67 USD/thùng.
Mặc dù vậy, giá cả 2 loại dầu đều tăng hơn 20% trong tháng 11/2020, mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, bởi kỳ vọng vắc xin Covid-19 sẽ hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, từ đó hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu tăng lên.
Các nhà phân tích và thương nhân cũng kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga (OPEC +) sẽ trì hoãn thời điểm tăng sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày theo kế hoạch (ban đầu dự định là vào tháng 1/2021) vì đợt bùng phát Covid-19 lần 2 đã ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
Căng thẳng ở Trung Đông đã gia tăng vào cuối tuần qua, do việc một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát, và một nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Iraq bị tên lửa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công cũng gây áp lực giảm giá dầu.
OPEC + đã tổ chức một vòng đàm phán đầu tiên vào Chủ nhật 29/11, song vẫn chưa đạt được đồng thuận về chính sách sản lượng vào đầu năm 2021. Theo một nguồn tin, Kazakhstan, một thành viên của OPEC +, đã phản đối việc kéo dài thời gian cắt giảm dầu sang năm sau, thay vào đó kêu gọi tăng sản lượng phù hợp với thỏa thuận hiện có. Vấn đề kéo dài thời gian sẽ tiếp tục được bàn bạc trong hôm nay và ngày mai. "Cuộc họp hôm nay sẽ rất khó khăn, đặc biệt nếu Nga và Kazakhstan không thay đổi quan điểm của họ", nguồn tin từ OPEC + cho biết.
Nếu nhóm OPEC+ không duy trì thời gian cắt giảm sản lượng như hiện tại thêm 3 hoặc 4 tháng thì thị trường dầu mỏ thế giới 6 tháng đầu năm 2021 sẽ dư thừa 1 triệu thùng/ngày, bởi theo tính toán thì với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2 thì dư cung dầu thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, số giàn khoan dầu khí của Mỹ đã tăng liên tiếp 4 tháng nay, khi nhiều hãng mở cửa trở lại các giàn khoan đã đóng trước đó, khi giá dầu thô tăng lên trên ngưỡng 40 USD/thùng kể từ giữa tháng 6.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu ở Trung Quốc đang tăng nhanh khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã hồi phục gần như hòa toàn sau khủng hoảng Covid-19, với hoạt động lọc dầu tháng 11 tăng nhanh nhất trong vòng hơn 3 năm. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Tham khảo: Reuters