MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đậu tương cao nhất trong 1 năm

10-04-2018 - 19:22 PM | Thị trường

Trước căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cụ thể là đậu tương đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong 1 năm qua.

Ngày 3/4 Chính phủ Mỹ thông báo kế hoạch triển khai thuế đối với khoảng 1.300 mặt hàng từ Trung Quốc có giá trị khoảng 50 tỷ USD – danh sách bao gồm các sản phẩm y tế, máy móc và lò phản ứng hạt nhân. Ngay lập tức, ngày 4/4 Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp mức thuế 25% đối với 106 hàng hóa của Mỹ nhập khẩu với trị giá lên tới 50 tỷ USD. Danh sách này bao gồm đậu tương, một số sản phẩm từ ngô, các sản phẩm thịt bò và kê. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm chính sách thuế này có hiệu lực.

Lo ngại trước quyết định của Trung Quốc sẽ áp thuế mới đối với các sản phẩm nông sản của Mỹ, giá đậu tương kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago ngày 4/4 giảm 2,1% xuống 10,15 USD/bushel. Tuy nhiên, giá đã hồi phục và tăng mạnh trở lại ngay phiên giao dịch ngày 5/4, tăng 1,5% lên 10,31 USD/bushel. Giá tiếp tục xu hướng tăng cho đến nay đạt 10,47 USD/bushel tăng 8,6% so với đầu năm 2018 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017– mức cao nhất kể từ 1 năm trở lại đây.


Giá đậu tương cao nhất trong 1 năm  - Ảnh 1.

Diễn biến giá đậu tương trong 1 năm trở lại đây

Như vậy, trước các hàm ý ngắn hạn của chính sách Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu tương, kê và các ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi khác có thể tạo sóng trên các thị trường, nhưng các nhà kinh tế học lo ngại tác động trong dài hạn.

Dẫn nguồn tin từ Feed Navigator, nhà nghiên cứu tại Center for Commercial Agricultura đại học Purdue, ông David Widmar, cho rằng việc áp thuế đối với hàng hóa từ một số nước sẽ khuyến khích sản xuất ở nơi nào khác. Tuy nhiên, việc áp thuế đối với một sản phẩm cụ thể, như đậu tương hoặc một nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sẽ làm tăng chi phí sản xuất của sản phẩm đó. Tác động khác là làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Hiệp hội các nhà sản xuất đậu tương Mỹ (ASA) lo ngại về đòn trả đũa thương mại từ phía Trung Quốc, khi thị trường này chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 30% tổng sản lượng đậu tương của Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ba quốc gia có sản lượng đậu tương lớn trên thế giới đạt 340, 85 triệu tấn/năm, chiếm tới 82% bao gồm: Mỹ (35%); Brazil (33%) và Argentina (14%). Mỹ, Brazil và Argentina chiếm 89% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, đạt 150,6 triệu tấn/năm. Trước đó, năm 2012 Brazil đã trở thành nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới chiếm 47%, vượt qua Mỹ (37%), tiếp đến là Argentina với tỷ lệ chỉ có 5% và kể từ năm 2012 xuất khẩu đã tăng lên hàng năm.


Giá đậu tương cao nhất trong 1 năm  - Ảnh 2.

Xu hướng xuất khẩu đậu tương qua các năm

Về nhập khẩu, các nước nhập khẩu đậu tương chính bao gồm: Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm tới 67%, đứng thứ hai là 28 nước EU chiếm 9% và Mexico chiếm 3%. Niên vụ 2012-13 nhập khẩu đậu tương trên thế giới mới chỉ dưới 100 triệu tấn, tuy nhiên lượng nhập tăng dần qua các năm và đến nay đã tăng lên khoảng 151,3 triệu tấn.


Giá đậu tương cao nhất trong 1 năm  - Ảnh 3.

Xu hướng nhập khẩu nhập khẩu đậu tương qua các năm

Vậy điều gì sẽ diễn ra nếu mức thuế này thực sự được áp dụng. Trong ngắn hạn Trung Quốc sẽ tìm các nguồn đậu tương khác để nhập khẩu. Trong dài hạn, động thái áp thuế của Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ sẽ khuyến khích sản xuất tại các khu vực khác trên thế giới và trong 10 – 15 năm, sản xuất đậu tương toàn cầu sẽ có sự chuyển dịch sang các nhà sản xuất mới. Trong khi đó, các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp lớn trên thế giới cũng có những kế hoạch riêng của họ.

Louis Dreyfus cho biết, thương vụ thâu tóm một nhà máy chế biến các hạt có dầu tại Thiên Tân, Trung Quốc đã hoàn tất. Thương vụ này đã được đồng thuận từ tháng 11/2017 và tài sản được thâu tóm là một tổ hợp sản xuất trên diện tích 300.000 m2, công suất chế biến đậu tương 4.000 tấn/ngày và công suất tinh chế dầu ăn thực vật 1.200 tấn/ngày. Tổ hợp này còn có các nhà máy đóng chai, đóng gói và bảo quản. Ngoài tổ hợp này, Louis Dreyfus cũng mở 3 tổ hợp tương tự tại Hồ Bắc, Giang Tô và Quảng Đông, cung ứng bột đậu tương cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn cũng như các công ty sản xuất dầu ăn thực vật. Biên lợi nhuận chế biến đậu tương tại Trung Quốc liên tục tăng từ tháng 8/2017, tạo động cơ tăng nhập khẩu đậu tương, bất chấp vấn đề chậm trễ ban hành giấy phép nhập khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 12/2017 nhập khẩu đậu tương tại quốc gia này đạt mức kỷ lục 9,55 triệu tấn, tăng 10% so với tháng 11/2017 và 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Giám đốc phụ trách khu vực bắc Á của Louis Dreyfus, James Zhou cho biết, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào Trung Quốc do chính phủ Trung Quốc đang cởi mở đối với hoạt động mở cửa nền kinh tế, chào đón các vụ đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, bao gồm ngành chế biến nông sản. Thương vụ tại Thiên Tân mới đây mở ra điểm tích cực cho diễn biến này. Trung Quốc đang khuyến khích tăng trưởng và hiện đại hóa ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, đóng góp vào một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà chế biến nông sản, để cung ứng cho thị trường loại bột đậu tương hàm lượng protein cao, giúp đáp ứng nhu cầu nội địa đối với protein động vật.

Thùy Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên