MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu về lại đỉnh 14 năm, cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá

Cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá

Cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá

Giá dầu tiếp tục leo thang lên vùng cao nhất trong vòng 14 năm là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cổ phiếu dầu khí và phân bón bứt phá.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại một phiên giao dịch tương đối giằng co khi áp lực điều chỉnh bao trùm trên diện rộng. VN-Index kết phiên giảm điểm với sắc đỏ chiếm ưu thế trên nhiều nhóm cổ phiếu.

Trong bối cảnh đó, nhóm dầu khí lại bất ngờ bứt phá vươn lên hút tiền mạnh. Nổi bật nhất phải kể đến "anh cả" ngành khí GAS tăng kịch trần trắng bên bán để gồng gánh chỉ số. PLX, BSR, PVS, PVD, PVB, PVC, PVT,... đều tăng mạnh cùng thanh khoản cao. Dù vậy, mới chỉ có GAS tiệm cận đỉnh cũ trong khi hầu hết các cổ phiếu dầu khí kể trên vẫn còn thấp hơn khoảng 20-30% so với đỉnh do giai đoạn trượt dốc trước đó.

Giá dầu về lại đỉnh 14 năm, cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá - Ảnh 1.

Cổ phiếu dầu khí bứt phá mạnh

Theo đánh giá của giới phân tích, đà tăng các cổ phiếu dầu khí được thúc đẩy bởi diễn biến theo thang của giá dầu thế giới. Trên thị trường quốc tế, thời điểm 14h30 ngày 31/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,24%, lên 118,69 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 1,32%, lên 123,36 USD/thùng. Sau nhịp điều chỉnh, giá dầu thế giới đã về lại đỉnh 14 năm đạt được hồi tháng 3.

Giá dầu về lại đỉnh 14 năm, cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá - Ảnh 2.

Giá dầu thế giới tiếp tục leo thang

Ngân hàng Trung ương Mỹ BofA dự báo nếu xuất khẩu dầu thô Nga giảm mạnh, giá dầu Brent có thể vượt mốc 150 USD/thùng. "Giá dầu tăng 30 USD/thùng trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt sẽ ngăn cản sự phục hồi nhu cầu về mức trước Covid-19".

Ngày 2/6 tới đây, tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp và nhiều dự báo cho thấy sẽ không có những thay đổi đột phá trong kế hoạch sản lượng của khối. Theo nguồn tin của Reuters, OPEC+ có thể chỉ nâng nhẹ mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây về việc đẩy mạnh khai thác hơn nữa nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Trong báo cáo ngành năng lượng mới đây, Chứng khoán VCSC đã tăng kịch bản cơ sở giá dầu Brent trung bình thêm khoảng 20% đối với năm 2022/2023 và 15% đối với giai đoạn 2024-2026. Nguyên nhân do căng thẳng Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt, lo ngại khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga bị loại khỏi thị trường trong khi hầu như không có thay đổi trong chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC, sản lượng thấp hơn dự kiến từ Mỹ.

Trong khi đó, OPEC và EIA vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi về mức trước dịch Covid-19 dù phần nào bị ảnh hưởng bởi giá cao. Vì thế, VCSC nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm 2022/23 thêm khoảng 20% từ 70/65 USD/thùng lên 85/80 USD/thùng và nâng giả định giá dầu Brent cho giai đoạn 2024/26 từ 65 USD/thùng lên 75 USD/thùng.

Giá dầu về lại đỉnh 14 năm, cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá - Ảnh 3.

Dự báo nhu cầu dầu thô của các tổ chức quốc tế

Chứng khoán VCSC nhận định giá dầu cao có lợi cho các cổ phiếu dầu khí. Trong đó, GAS được hưởng lợi do giá dầu tác động trực tiếp đến giá khí đầu ra. BSR sẽ được hưởng lợi từ mức chênh lệch cao giữa giá đầu vào và đầu ra trong khi PVS, PVD cũng có tiềm năng tăng nhẹ. Mặt khác, giá dầu tăng cao không có tác động đáng kể đến PLX do hiệu suất hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm ngoài dự kiến tương ứng với việc công ty phải nhập hàng giá cao.

Bên cạnh dầu khí, một nhóm cổ phiếu có tương quan với giá dầu khác là phân bón cũng đua xanh tím trong phiên hôm nay. DPM, BFC, LAS, DDV,... đều tăng mạnh, thậm chí DCM còn tăng hết biên độ. Các cổ phiếu trên đều đã chiết khấu khá sâu từ đỉnh tuy nhiên có sự phân hóa rõ rệt hơn khi DCM, DPM mất khoảng 20% còn thị giá BFC, LAS, DDV đâu đó đã giảm đến 30-40% so với đỉnh.

Giá dầu về lại đỉnh 14 năm, cổ phiếu dầu khí, phân bón đồng loạt bứt phá - Ảnh 4.

Cổ phiếu phân bón đua xanh tím

VCSC cũng cho rằng giá khí quốc tế cao cũng có lợi cho các công ty phân bón. Sự thiếu hụt khí đốt toàn cầu đã dẫn đến giá urê tăng mạnh, có lợi cho DPM và DCM vào năm 2022 và có khả năng kéo dài sang năm 2023. Giá đầu vào của các công ty này liên quan đến giá dầu, giá dầu gần đây đã tăng chậm hơn so với giá khí quốc tế - ngược lại so với xu hướng của các năm trước đây.

Giá khí đốt giao ngay quốc tế tiếp tục tăng trong quý 1 và có khả năng duy trì ở mức cao cho đến năm 2023. Trong báo cáo quý 1/2022 (trước khi xung đột với Ukraine), IEA đã nâng dự báo giá khí đốt trung bình năm 2022 thêm khoảng 60% so với báo cáo quý 4/2021 lên khoảng 27 USD/triệu BTU trong năm 2022. Hợp đồng tương lai của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) tính đến cuối tháng 3/2022 tương ứng giá LNG trung bình đạt 32/22 USD/triệu BTU vào năm 2022/2023. Điều này cho thấy giá khí sẽ giảm 30% vào năm 2023 nhưng vẫn cao hơn 2-3 lần so với mức trung bình trong 8 năm qua, do đó sẽ hỗ trợ giá urê.

https://cafef.vn/gia-dau-ve-lai-dinh-14-nam-co-phieu-dau-khi-phan-bon-dong-loat-but-pha-20220531150519292.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên