Giá dầu vọt lên cao nhất gần 1 năm do OPEC+ có thể tiếp tục kiềm chế sản lượng trong tháng 2
Giá dầu tăng mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 do khả năng Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) có thể sẽ giới hạn sản lượng ở mức hiện tại cho đến tháng 2/2021 bởi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng xấu tới nhu cầu tiêu thụ.
- 03-01-2021Thị trường dầu mỏ sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2021?
- 01-01-2021Thị trường ngày 1/1: Giá dầu và vàng tăng; ngô và đậu tương lập ‘đỉnh’ 6,5 năm, đường cao nhất 5 tuần
- 31-12-2020Thị trường ngày 31/12: Giá dầu và vàng tăng, ngô và đậu tương cao nhất 6,5 năm, quặng sắt giảm mạnh
Theo đó, giá dầu Brent đạt 53,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 3/2020; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đạt 49,71 USD/thùng, cũng cao nhất kể từ tháng 2/2020. Xu hướng giá tăng bắt đầu ngay từ lúc mở cửa giao dịch và tiếp diễn sau đó.
Hàng loạt thông tin mới nhất về nguồn cung cũng hỗ trợ giá dầu phiên này.
Sản lượng dầu Mỹ tháng 10/2020 giảm hơn 2 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm ngoái, còn 10,42 triệu thùng/ngày (so với 12,89 triệu thùng của tháng 10/2019). Nguyên nhân do nhu cầu thấp khiến các hãng sản xuất cắt giảm số giếng dầu.
Sản lượng dầu của Nga năm 2020 cũng giảm lần đầu tiên kể từ 2008, xuống mức thấp nhất kể từ 2011, do tuân thủ cam kết của OPEC+ và nhu cầu yếu do Covid-19. Cụ thể, sản lượng của Nga năm 2020 chỉ đạt trung bình 10,27 triệu thùng/ngày, từ mức cao kỷ lục 11,25 triệu thùng/ngày của năm 2019. Sản lượng cả năm 2020 là 512,68 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2011 (khi đó sản lượng là 511,43 triệu tấn).
Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela năm 2020 cũng giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1940 do lệnh cấm vận của Mỹ. Theo đó, năm 2020 nước này chỉ sản xuất 376.000 thùng dầu mỗi ngày.
Năm 2020, giá dầu thô thế giới đã giảm 20%, giá xăng Mỹ giảm 17% trong khi giá dầu sưởi giảm 27%. Nguyên nhân do các biện pháp phong tỏa/cách ly chống Covid-19 làm suy giảm nghiêm trọng các hoạt động kinh tế, khiến thị trường dầu rơi vào khủng hoảng.
Tháng 4/2020 là thời điểm "đen tối" nhất của thị trường dầu khi giá dầu WTI rơi xuống xuống mức chưa từng có là - 40,32 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm xuống 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Từ quý IV/2020, những thông tin tích cực về vắc xin ngừa Covid-19 đã giúp giá đảo chiều tăng ngoạn mục, để kết thúc năm 2020 ở mức cao gấp đôi so với tháng 4/2020.
Mặc dù giá dầu đã hồi phục trong 2 tháng qua, nhưng việc các nước trên thế giới một lần nữa lại phải đóng cửa chống Covid-19 biến thể đã làm gia tăng áp lực lên thị trường này, làm cho triển vọng thị trường trở nên u ám.
Theo các chuyên gia năng lượng, mặc dù sự sụt giảm ngắn ngủi của giá dầu Mỹ, xuống dưới mức âm 40 USD/thùng, không có khả năng lặp lại vào năm 2021, song tình hình dịch bệnh phức tạp và việc chính phủ nhiều nước tiếp tục triển khai các biện pháp phong tỏa vẫn sẽ hạn chế đáng kể nhu cầu dầu trong năm tới, hoặc thậm chí trong thời gian dài hơn.
Mohammad Barkindo, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hôm Chủ nhật (3/1) cho biết, nhu cầu dầu thô năm 2021 dự kiến sẽ tăng 5,9 triệu thùng/ngày lên 95,9 triệu thùng/ngày, song vẫn còn rất nhiều rủi ro với thị trường này, ít nhất trong nửa đầu năm nay. Ông nhấn mạnh về tình trạng dịch Covid-19 ở phương Tây đang diễn biến rất trầm trọng.
Tuy nhiên, nhà phân tích Virendra Chauhan của Energy Aspects cho biết, xu hướng vĩ mô, bao gồm đồng USD yếu đi và nhu cầu dầu mỏ hồi phục dự báo sẽ hỗ trợ tích cực cho giá dầu. Việc OPEC+ tỏ ý sẽ duy trì mức giảm sản lượng trong tháng 2 cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho giá dầu trong những tuần tới.
Do sự phụ thuộc lớn của thị trường dầu vào diễn biến dịch Covid-19 nên các dự báo về giá dầu năm 2021 cũng có sự chênh lệch khá lớn.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn công bố tháng 12, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 49 USD/thùng trong năm 2021, tăng so với mức dự báo 43 USD/thùng trong quý IV/2020. EIA nâng dự báo giá dầu trong năm 2021 dựa trên kỳ vọng rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác tiếp tục giảm sản lượng.
Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings thậm chí còn cho rằng, giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021. Theo Fitch Ratings, nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến giai đoạn nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng như mong đợi.
Trái lại, bất chấp những thách thức hiện tại, Goldman Sachs vẫn lạc quan về giá dầu, với kỳ vọng giá dầu Brent đạt trung bình 65 USD/thùng vào năm tới. Theo đó, ngân hàng này cho rằng việc tiêm chủng đại trà và sự gia tăng sản lượng hạn chế từ OPEC+ là những yếu tố thúc đẩy giá.
Tham khảo: Reuters