MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện mặt trời sẽ theo cơ chế đấu thầu

23-11-2019 - 08:28 AM | Thị trường

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời dựa trên các nguyên tắc tính toán dài hạn, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân...

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận cuộc họp của Thủ tướng về giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 1/7/2019. Bộ Công Thương được giao nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, EVN thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng để xem xét, ban hành làm cơ sở thực hiện với các dự án còn lại và dự án mới trước ngày 15/12.

Chính phủ cho biết việc ban hành giá điện áp dụng từ 1/7/2019 cần tuân thủ một số nguyên tắc. Đầu tiên là tập trung cho những nơi có tiềm năng, lợi thế, có điều kiện phát triển tốt để đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế. Phát triển điện mặt trời mái nhà cần được ưu tiên, khuyến khích vì loại này không chiếm đất hay đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối.

Thứ hai, phát triển điện mặt trời cần đảm bảo cân bằng hệ thống thoát điện, tránh phát triển ồ ạt làm tác động lớn đến giá thành sản xuất toàn hệ thống điện; đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, nhà đầu tư, người dân; chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển. Các dự án tuyệt đối không được dùng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn rủi ro về môi trường.

Quy định về giá điện đối với các dự án điện mặt trời hoàn thành nối lưới trước 30/6 không hồi tố. Nhà đầu tư được tạo điều kiện để phát triển hợp lý, đảm bảo lợi ích hợp pháp.

Giá đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công đưa vào vận hành trong năm 2020 cần được xem xét ban hành. Các dự án còn lại sẽ không được áp dụng biểu giá cố định mà cần chuyển sang đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm được giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Bộ Công Thương cần rà soát báo cáo cụ thể danh mục dự án điện mặt trời áp dụng biểu giá FIT mới, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tính chính xác của danh mục.

Giá điện mặt trời sẽ theo cơ chế đấu thầu - Ảnh 1.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu giá điện mặt trời. Ảnh: Báo Đầu Tư.

Với các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, giá áp dụng theo quyết định của Chính phủ tại Nghị quyết 115 ngày 31/8/2018 (2.086 đồng/kWh). Giá này được áp dụng đến khi Ninh Thuận đạt đủ công suất 2.000 MW hoặc đến hết 2020.

Kết luận của Chính phủ cũng cho rằng việc quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn nhiều tồn tại, hạn chế, như quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến. Việc quản ký quy hoạch của Bộ Công Thương thiếu khoa học, dự báo còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung; chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu, kịp thời để tránh sóng đầu tư ồ ạt, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, ảnh hưởng tới vận hành hệ thống điện quốc gia và quyền lợi nhà đầu tư...

Về định hướng, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, một cách hợp lý. Tuy nhiên, cơ cấu các loại nguồn điện cần được tính toán khoa học, bài bản; chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu, loại bỏ tình trạng xin cho, tập trung xử lý các dự án đã, sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước 1/7.

Theo Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, giá FIT (Feed in Tariff - giá cố định) áp dụng cho các dự án mặt trời nối lưới trước 30/6 là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh). Tuy nhiên thực tế, có nhiều dự án không kịp đấu nối lưới điện trước 30/6. Do đó, vấn đề được quan tâm chính là mức giá áp dụng sau thời điểm trên.

Theo Lâm Tùng

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên