Giá điện tăng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp
Với việc tăng giá điện, các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa khí, luyện kim... sẽ chịu ảnh hưởng nặng do tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo theo giá hàng hóa bị đẩy lên làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- 16-05-2023Vì sao lại tăng giá điện ngay cao điểm nắng nóng?
- 08-05-2023Giá điện tăng 3%, chỉ số CPI sẽ thế nào?
- 05-05-2023Chi tiết số tiền người dân phải trả sau khi giá điện tăng 3%
Ngày 16/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng hướng tới phát triển bền vững” thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin về chính sách trong sử dụng năng lượng,đổi mới công nghệ và công nghệ mới, đồng thời làm cầu nối giữa đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng thiết bị, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất hiệu quả công việc, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hội thảo cũng giới thiệu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các hoạt động của TP Đà Nẵng đang triển khai hỗ trợ năm 2023 trong lĩnh vực năng lượng.
Giá điện còn nhiều bất cập
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Hoàng Văn Bản - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng - cho biết: Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của xã hội, việc phát triển phải gắn liền với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì nền tảng nguồn lực ổn định tránh khai thác quá mức các nguồn lực. Phát triển phải hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm đô thị, khu công nghiệp và quản lý nghiêm túc chất thải rắn nguy hại. Việc phát triển bền vững môi trường cũng đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất hướng doanh nghiệp đến công nghệ sản xuất thân thiện.
Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố giá điện bình quân tăng từ 1.300 đồng lên 1.900 đồng chưa bao gồm thuế VAT. Ông Bản cho biết: Với việc tăng giá điện, các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa khí, luyện kim... sẽ chịu ảnh hưởng nặng do tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo theo giá hàng hóa bị đẩy lên làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất, doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, tối ưu hóa dây chuyển sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất….
Ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ - Phó trưởng Phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP Đà Nẵng - cho rằng, hiện nay cách tính giá điện sinh hoạt và điện sản xuất đang có sự bất cập, biểu giá điện 6 bậc hiện nay của chúng ta đã lỗi thời dẫn đến việc chưa khuyến khích doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngay cả chính sách ưu đãi giá điện đối với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cũng không còn thu hút. Bởi theo một số đánh giá, hiện nay có nhiều công nghệ FDI so với công nghệ trong nước không cao hơn bao nhiêu. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp làm hồ sơ thiết bị mới nhưng nhập thiết bị về chỉ ở mức tương đối, thậm chí chuyển giao công nghệ lạc hậu về Việt Nam.
“Câu chuyện giá điện phải có sự điều chỉnh để có sự công bằng giữa các thành phần sử dụng điện trong xã hội và khuyến khích đổi mới công nghệ, giải pháp để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp hướng đến phát triển bền vững” ông Vũ cho biết.
Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới
Tham gia hội thảo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn đã giới thiệu những công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng phù hợp, tiết kiệm trong bối cảnh giá nguyên liệu, giá điện tăng cao; đề xuất những kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc Công ty CP Năng lượng Hoàng Đạo, KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - đưa ra một số giải pháp tiết kiệm chi phí nhiệt năng trong công nghiệp bằng công nghệ hóa khí Biomass thân thiện, tiết kiệm thu hút sự quan tâm của các đại biểu, doanh nghiệp.
Ông Sơn cho biết, khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ này, sẽ tự chủ về công nghệ và tự động hóa hoàn toàn. Công nghệ hóa khí Biomass an toàn, thân thiện với môi trường và đặc biệt giảm chi phí nhiên liệu đến 60% so với công nghệ lò đốt dầu truyền thống đã lỗi thời và ô nhiễm.
“Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trong phát triển là phải đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường. Trong bối cảnh giá nhiên liệu xăng, dầu tăng, giá điện tăng việc chuyển đổi công nghệ nhất là công nghệ lò hơi sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí. Việc thay đổi công nghệ lò hơi lỗi thời tại các nhà máy, khu công nghiệp sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính do không sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp cần có chính sách hỗ vốn một cách thông thoáng hơn để thay đổi công nghệ, đổi mới công nghệ ” ông Sơn cho biết.
Ông Đinh Hữu Tuyến - Phòng quản lý Công nghệ, Sở KH&CN TP Đà Nẵng - cho biết: Từ năm 2016 UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với nhiều chính ưu đãi.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí kíp công nghệ, với mức tối đa 3 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm. Mua sắm thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí mua thiết bị; hỗ trợ 15% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm lượng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Riêng hoạt động ươm tạo công nghệ được hỗ trợ đến 70% chi phí thực hiện nghiên cứu tạo công nghệ, ươm tạo công nghệ, giải mã công nghệ, thiết kế thiết bị có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao…
Từ năm 2017 đến 2023, tổng cộng có 63 dự án, doanh nghiệp được TP Đà Nẵng hỗ trợ đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Hiện nay, sở KH&CN TP Đà Nẵng đang tiến hành rà soát và tham mưu UBND TP xem xét chỉnh sửa bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn
Hiện TP Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hết sức thiết thực và hiệu quả.
Tiền phong