MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện tăng: Cổ phiếu nào hưởng lợi?

Mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ban hành quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân lên 2.006,7đ/kWh, tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại. Việc này sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán và nhóm cổ phiếu nào có thể hưởng lợi?

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm hơn 86,4 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (tăng 4,5%), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,5%.

Giá điện tăng sẽ làm tăng giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều điện. Nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, giá điện tăng có thể ăn mòn một phần lợi nhuận.

Nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI): "Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quá trình sản xuất sử dụng điện năng nhiều sẽ tăng chi phí đầu vào. Tăng chi phí đầu vào dẫn đến việc giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là điều khó tránh vì giá điện cũng ở mức không cao trong khoảng thời gian khá dài. Các nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng thì đương nhiên những doanh nghiệp sản xuất có chi phí đầu vào là giá điện sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực".

Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long – Giám đốc Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BSC cho rằng: "Thường những ngành tiêu thụ điện nhiều sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu ngành công nghiệp như thép, hoá chất, xi măng sử dụng điện tương đối nhiều. Nhưng về mặt quản trị mà nói thì thông thường giá điện lên thì họ cũng sẽ điều chỉnh vào giá bán của họ nên sẽ có độ trễ nhất định".

Giá điện tăng: Cổ phiếu nào hưởng lợi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VnEconomy

Ở chiều ngược lại, ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu ngành điện đã “rực sáng”, đặc biệt trong phiên 10/11, VN-Index giảm hơn 12 điểm về sát mốc 1.100 điểm với hàng loạt nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, nhưng hầu hết cổ phiếu nhóm ngành điện vẫn trụ vững.

Giá điện bán lẻ tăng ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt, khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính.

Xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi nền giá đầu vào thế giới bắt đầu tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính. Phân tích rõ hơn điều này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định:

"Hiện tại nhóm ngành điện đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất rồi. Sau giai đoạn đó chúng ta thấy kinh tế có hồi phục dần. Kỳ vọng vào thời điểm 2024 là thời điểm chu kỳ kinh tế thoát ra dấu hiệu tạo đáy và khả năng cao sẽ đi lên trong năm 2024 mặc dù mức tăng trưởng chậm; nhưng nhu cầu về sản xuất đã quay trở lại. Nó sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu ngành điện cùng với việc giá điện tăng lên. Đó là một số tác động tích cực với nhóm cổ phiếu ngành này".

Những doanh nghiệp liên quan đến phát điện và chuỗi giá trị xây dựng điện sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Nhưng theo ông Trần Thăng Long – Giám đốc Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BSC sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp: "Ngành điện thường không ai nghĩ đến yếu tố ngắn hạn, vì thường điện là ngành cực kỳ lâu dài, nước nào cũng thế. Cứ mỗi năm tăng trưởng 7-10% thì khoảng 10 năm sẽ tăng gấp đôi".

Nhóm cổ phiếu ngành điện có tính chu kỳ và tính phòng thủ cao. Với lợi thế chi trả tiền mặt cổ tức cao nên nhà đầu tư cũng ưa thích tích luỹ nhóm này. Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam với các đặc điểm đó thì nhà đầu tư cần nhìn về dài hạn nhiều hơn.

"Ở thời điểm ngắn hạn hiện tại nhóm cổ phiếu ngành điện mới bắt đầu bước qua khỏi giai đoạn khó khăn, chứ chưa phải thời điểm phù hợp để nhóm này tăng trưởng vượt bậc. Mà thay vào đó có thể sẽ là nhóm ưa thích cho nhà đầu tư mang tính đầu tư dài hạn, tích luỹ cổ phiếu hưởng lợi theo cách nhận cổ tức tiền mặt cao. Rõ ràng với mức giá hiện tại thì nhóm này vẫn là nhóm có lợi thế cao nhất trong các nhóm cổ phiếu hiện nay", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện. Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.

Theo Như Ngọc - Thùy Linh

VOV

Trở lên trên