Giá điện tăng: Người dân và doanh nghiệp vẫn canh cánh nỗi lo...thiếu điện
Người dân và doanh nghiệp mong muốn, giá điện thay đổi tăng phải đi liền với nâng cao chất lượng phục vụ, hạn chế tối đa việc thiếu điện, cắt điện luân phiên làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh.
- 15-11-2023Bối rối lo hút vốn FDI trước 'giờ G' áp thuế tối thiểu toàn cầu
- 15-11-2023Lấy người nộp thuế là trung tâm phục vụ
- 15-11-2023Một loại hạ tầng dự kiến được đầu tư hơn 14 tỷ USD, chủ yếu là vốn ngoài ngân sách để phát triển
Giá bán lẻ điện bình quân đã được Bộ Công Thương điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 9/11 vừa qua. Đây là lần tăng giá điện thứ hai trong năm 2023 sau đợt thứ nhất ở mức 3% cách đây 6 tháng.
Giá điện tăng tác động chi phí sinh hoạt, sản xuất
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá điện mới, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ chịu mức tiền điện tăng thêm từ 3.900 - 55.600 đồng/tháng; Nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ phải trả thêm 230.000 đồng/tháng; Nhóm khách hàng sản xuất phải trả thêm 432.000 đồng/tháng. Theo ước tính của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này có thể khiến chỉ số CPI năm nay tăng 0,035%.
Sau khi điện tăng giá, phần lớn ý kiến người dân cho rằng, mức tăng thêm lần này là tương đối phù hợp, không tăng quá cao và giật cục gây tác động quá lớn đến mức chi tiêu của đa số các hộ dân, nên vẫn có thể cân đối để đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống. Tuy vậy, người dân mong muốn, giá điện thay đổi phải đi liền với tăng chất lượng phục vụ, hạn chế tối đa việc thiếu điện, cắt điện luân phiên nhất là trong những đợt cao điểm nắng nóng như mùa Hè vừa qua.
Ông Hoàng Văn Mạc, hộ dân ở Tổ 2, phường Đội Cấn cho biết, điện luôn là nhu cầu cấp thiết của người dân, nên thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động thiết yếu. Vì thế, ngành điện tăng giá song cần nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp và phục vụ điện năng.
“Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhất định đến mức chi tiêu sinh hoạt của nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Để giảm chi phí, gia đình sẽ phải cân đối, tiết giảm sử dụng những thiết bị không cần thiết từ đó nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Nhưng điều lo ngại nhất của nhiều người vẫn là mất điện, rồi có những mặt hàng tiêu dùng khác sẽ tăng giá theo giá điện, từ đó kéo theo hàng loạt chi phí gây tốn kém”, ông Mạc băn khoăn.
Từ phía các DN sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của DN. Song theo tính toán của các DN, giá điện hiện chiếm từ 10%-15% cơ cấu giá thành sản phẩm, với mức tăng 4,5% khiến chi phí tác động chưa đến 1% nên nằm vẫn trong khả năng cân đối của DN.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc Công ty gia công cơ khí Thái Lan (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ, các thiết bị sản xuất, gia công cơ khí cần được vận hành liên tục, thiếu điện, nguồn điện chập chờn hoặc điện bị cắt đột ngột sẽ ra những thiệt hại lớn trong sản xuất.
“Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, các DN không thể lấy cớ tăng giá điện để nâng giá sản phẩm, bởi đó không phải cách kinh doanh ổn định và bền vững. Các DN cũng cần cơ cấu lại các chi phí khác, không riêng gì giá điện để thiết kế mức giá thành hợp lý cho sản phẩm và dịch vụ, từ đó nâng tính cạnh tranh”, ông Hiệp cho biết.
Giá điện tạo động lực thay đổi công nghệ và hành vi tiêu dùng
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, việc tăng giá điện sẽ có tác động tới người dân cũng như DN, nhất là những DN đang gặp khó khăn trong quá trình hồi phục sau đại dịch. Song tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn, còn đối với các DN ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm. Đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà…
Ngoài ra, giá điện tăng cao được các chuyên gia đánh giá có thể thu hút đầu tư của khối tư nhân vào các dự án nguồn điện, giúp đảm bảo an ninh năng lượng; thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, việc tăng giá điện ngoài việc tính đúng, tính đủ các chi phí trong sản xuất kinh doanh của DN, còn tạo áp lực cho việc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả. Giá điện thấp sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định các chỉ số kinh tế nhưng đổi lại, người sử dụng không có động lực thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng. “Nhiều DN khi đầu tư vào Việt Nam vẫn dựa sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng gây lãng phí. Như vậy là nhà nước đang bù giá, trợ giá cho các DN sử dụng công nghệ không thực sự tiên tiến”, ông Hà Đăng Sơn nói.
Cùng quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, giá điện cần phải được tính đúng, tính đủ để đảm bảo chi phí, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và ngành điện. Với giá thấp sẽ khiến việc tiêu dùng điện nhiều, lãng phí và không khuyến khích thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện. Ngoài ra, giá thấp còn dẫn đến sự đầu tư ồ ạt của các nhà đầu tư với công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng.
“Khi ngành điện không đủ nguồn lực tài chính sẽ không đủ nguồn cung và giá điện thấp đang là vướng mắc trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Giá điện thấp cho sản xuất được đánh giá là lợi thế trong thu hút đầu tư, giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, lợi dụng giá điện sản xuất ở mức thấp, nhiều DN sản xuất vẫn sử dụng những công nghệ, máy móc lạc hậu gây tổn hao điện lớn gây lãng phí. Hơn nữa, để dễ dàng được chấp nhận mỗi khi thay đổi giá điện, ngành điện luôn phải đáp ứng điện một cách đầy đủ và có chất lượng tốt”, ông Long nói.
VOV