MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Gia đình da trắng giàu gấp 10 lần gia đình người da màu": Sự bất công nguy hiểm trong nền kinh tế Mỹ?

08-06-2020 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ đã phần nào phản ánh những sự bất công đối với người da màu tại Mỹ, mà cái chết của George Floyd chỉ là "giọt nước làm tràn ly".

Bất bình đẳng về thu nhập và tài sản của cộng đồng người Mỹ gốc Phi ngày càng tăng.

Các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra trên toàn nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại thành phố Minneapolis hồi tuần trước nhằm lên án việc sử dụng bạo lực quá mức của cảnh sát và tình trạng phận biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng Mỹ gốc Phi.

Các cuộc biểu tình này cũng là cách bày tỏ sự thất vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi về tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tài sản, bất chấp kinh tế Mỹ tăng trưởng trong thời gian dài nhất và thị trường chứng khoán liên tục phá vỡ các mức điểm kỉ lục trước khi đại dịch COVID xảy ra.

Bà Amanda Cage, giám đốc điều hành của Quỹ quốc gia về Giải pháp Lao động cho biết: "Kể từ cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất, chúng ta vẫn chứng kiến sự chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng và không có sự cải thiện mang tính hệ thống về mức sống của người dân".

Bà Cage đã làm việc nhiều năm để giúp đỡ các khu dân cư nghèo ở thành phố Chicago.

Gia đình da trắng giàu gấp 10 lần gia đình người da màu: Sự bất công nguy hiểm trong nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Ảnh: RIA

Vào chiều 2/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng bài lên Twitter ca ngợi thành tựu kinh tế chính phủ trong việc hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Cụ thể, ông Trump cho rằng ông "đã giúp được cho cộng đồng người da màu tại Mỹ nhiều hơn bất kỳ đời tổng thống đương đại nào kể từ thời tổng thống Abraham Lincoln".

Ông Trump còn trích dẫn một kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào các khu dân cư thu nhập thấp, lộ trình cải cách hệ thống tư pháp hình sự, và giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói và phạm pháp.

Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế nhận định nước Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội quý báu trong suốt 10 năm hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các hộ gia đình người Mỹ gốc Phi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào công việc có mức lương thấp, không sở hữu nhiều cổ phần doanh nghiệp, và không được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế.

Trên hết, đó còn là việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, nhà ở và giáo dục có chất lượng. "Sự phục hồi kinh tế đã đặt ưu tiên lợi nhuận cao hơn người lao động," ông Dania Francis, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts ở Boston cho biết. "Mặc dù lợi nhuận có thể tăng lên, nhưng mức lương vẫn giậm chân tại chỗ".

Theo dữ liệu mới nhất của Cục điều tra dân số Mỹ, thu nhập hộ gia đình trung bình của một gia đình Mỹ gốc Phi trong năm 2018 là 41.361 USD, đã tăng 3,4% so với thập kỷ trước. Cùng lúc đó, thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình da trắng không phải Mỹ gốc La Tinh là 70.642 USD, tăng 8,8% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá trị tài sản ròng của một gia đình Mỹ da trắng gấp 10 lần một gia đình Mỹ gốc Phi

Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Brookings công bố hồi tháng 2, giá trị tài sản ròng của một gia đình da đen bình thường vào năm 2016 là 17.150 USD, trong khi con số tương đương của một gia đình da trắng cao gấp 10 lần, lên tới 171.000 đô la.

Sự chênh lệnh quá lớn này đã khiến các tác giả kết luận rằng xã hội Mỹ "không đem đến cơ hội bình đẳng cho người dân".

"Để đạt được sự cân bằng về thu nhập và của cải cho cộng đồng Mỹ gốc Phi vẫn còn một chặng đường dài," ông Gerald Daniels, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Howard ở Washington DC cho biết. "Nói chung, xã hội có rất nhiều sự bất ổn cùng với những biến động kinh tế tạo ra từ sự bất bình đẳng".

Vào tháng 10 năm ngoái tại một sự kiện do Cục Dự trữ liên bang tổ chức, bà Cage nêu bật việc thiếu hụt tiến bộ kinh tế ở một số cộng đồng da màu tại Chicago, khi bà cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở các khu vực như Englewood và Fuller Park vượt quá 15%, ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước Mỹ chỉ dao động quanh mức 4%.

Theo phát biểu của bà Cage trong một sự kiện tương tự của ngân hàng trung ương Mỹ hai tuần trước, đại dịch COVID bùng phát còn khiến vấn đề bất bình đẳng này trầm trọng thêm. Nhiều công nhân đã phải nghỉ việc và các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, trong khi những người làm việc ở vị trí nhạy cảm chịu rủi ro lây nhiễm khi dịch COVID thời điểm đó đang lây lan mạnh trong các khu vực dân cư thu nhập thấp.

"Những người lao động này đang thực sự phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc kiếm sống và nguy cơ mắc COVID," bà Cage nói. "Đây là 1 vấn đề nghiêm trọng cho những người dân sống trong những khu phố da màu ở Chicago, vì quanh họ lúc nào cũng có người tử vong vì nhiễm COVID".

Trên hết, cái chết của George Floyd là 1 đòn chí mạng. "Tôi không nghĩ rằng bạn có thể tách bất bình đẳng kinh tế với bất bình đẳng y tế và rồi hơn cả đó là cảm giác bất lực khi đối mặt với cơ quan của chính phủ, và trong trường hợp này là lực lượng cảnh sát. Những thứ này đều có mối liên hệ chặt chẽ," giáo sư Francis nói.

Trong thời gian sắp tới, một câu hỏi lớn về vấn đề hỗ trợ kinh tế cho các cộng đồng dân cư da màu là liệu Quốc hội và Nhà Trắng có đạt được sự nhất trí trong việc giải ngân bổ sung khoản hỗ trợ tài chính mới cho các hộ gia đình Mỹ hay không. Trước đó, người dân Mỹ đã nhận được 1.200 USD/ người nếu thu nhập ít hơn 75.000 USD/ năm.

Quốc hội Mỹ đang tranh luận sôi nổi về tương lại của khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Nghị sĩ phe Dân chủ muốn kéo dài chương trình này nhưng phía Cộng hòa và Nhà Trắng phản đối vì như vậy sẽ khiến người lao động không có động lực đi tìm việc làm.

"Cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ châm ngòi cho các cuộc tranh luận chuyên sâu và nhiều ý kiến tranh cãi về những thay đổi chính sách nhằm thu hẹp bất bình đẳng kinh tế tại cộng đồng da màu".

Một số nhà lập pháp, hoạt động xã hội và kinh tế học đang thúc đẩy việc chi trả các khoản tiền bồi thường thời kỳ làm nô lệ, cái gọi là trái phiếu cho trẻ em, giúp các em bé da màu có 1 khoản tiền tích lũy, và 1 kế hoạch đảm bảo tiền lương giúp người lao động nhận được sự đảm bảo kinh tế nhất định.

"Những bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Mỹ từ lâu là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. Bất kỳ giải pháp nào đều giải quyết vấn đề gốc rễ đều sẽ không thành công," giáo sư Francis nói.

Cho dù như vậy, bà Cage nói rằng ý nghĩ về "sự công bằng chủng tộc" trong thị trường lao động, "việc thất nghiệp với lý do chủng tộc" và "sự phân biệt nghề nghiệp vì lý do chủng tộc" cộng với ngoại hình dễ nhận biết khiến cho người da màu thường phải làm việc một số công việc lương thấp và nguy hiểm nhất.

Tình trạng này có thể sẽ trở nên phổ biến hơn sau cuộc khủng hoảng này, sau một thời gian "tạm lắng". "Thế giới đã thay đổi. Người ta sẽ có nhiều sự chú ý hơn về vấn đề này," bà Cage nói.

Theo Thu Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên