MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đồng giảm sâu dưới 9.000 USD, kết thúc giai đoạn “bùng nổ”

20-08-2021 - 13:11 PM | Thị trường

Giá đồng giảm sâu dưới 9.000 USD, kết thúc giai đoạn “bùng nổ”

Giá đồng thế giới đang giảm nhanh, xuống dưới ngưỡng 9.000 USD/tấn, thấp nhất trong vòng nhiều tháng khiến nhà đầu tư kim loại lo sợ thị trường bước vào giai đoạn tụt dốc.

Giá đồng thế giới quay đầu giảm kể từ khi bước sang tháng 8. Phiên 19/8, giá đồng phá ngưỡng quan trọng 1.900 USD, xuống mức thấp nhất 4 tháng do thị trường lo ngại về rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là khi kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới và khả năng Cục Dự trữ Liên bang sắp cắt giảm kích thích kinh tế.

Giá đồng kỳ hạn tham chiếu (giao sau 3 tháng) trên sàn giao dịch London (LME) kết thúc phiên 19/8 đã giảm 1,6% xuống 8.901 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8.740 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 1/4, do đồng USD mạnh lên và tình trạng gián đoạn nguồn cung giảm bớt. Từ đầu tháng 8 tới nay, giá đồng đã giảm gần 10%.

So với mức cao kỷ lục hơn 10.700 USD/tấn vào tháng 5/2021, giá kim loại đỏ đã mất hơn 15%.

Sáng 20/8, giá đồng LME hồi phục nhẹ, nhưng vẫn dưới ngưỡng 9.000 USD. Theo đó, giá nhích nhẹ lên 8.985,5 USD/tấn. Tính chung cả tuần này, giá đã giảm 6,1%, là tuần mất giá nhiều nhất kể từ 18/6.

Trên sàn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 3,1% xuống 66.790 nhân dân tệ (10.282,03 USD)/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/6.

Gần trưa 20/8, giá đồng trên sàn Thượng Hải vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5% xuống 67.220 nhân dân tệ (10.338,83 USD)/tấn, mặc dù mức đó đã hồi phục nhẹ so với mức 66.000 nhân dân tệ lúc đầu phiên – thấp nhất kể từ 2/4.

Giá đồng giảm sâu dưới 9.000 USD, kết thúc giai đoạn “bùng nổ” - Ảnh 1.

Giá đồng trên sàn Thượng Hải

Nhà phân tích Tom Price của Liberum cho biết: "Chính phủ Trung Quốc quyết tâm làm chậm tốc độ tăng trưởng – tăng trưởng của nước này đã chậm dần lại kể từ tháng 3 – trong khi virus Covid-19 lây lan nhanh chóng và các quan chức Fed xem xét giảm mua trái phiếu. Những điều này đang làm tổn hại đến thị trường hàng hóa".

Do đó, không chỉ riêng đồng, thị trường kim loại nói chung đang chịu nhiều áp lực giảm giá, xuất phát từ mối lo ngại rằng Fed có thể sớm cắt giảm các biện pháp kích thích khổng lồ - yếu tố đã khiến giá tăng vọt trong năm qua, giữa bối cảnh virus biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng khắp nơi trên thế giới, khi mà dữ liệu yếu hơn ở Mỹ và Trung Quốc gần đây đã làm tăng thêm nỗi lo rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Giá chì trên sàn London kết thúc phiên 19/8 giảm 1,3% xuống 2.259 USD/tấn; thiếc giảm 7,1% xuống 32.855 USD/tấn; nhôm giảm 0,5% xuống 2,543 USD, kẽm giảm 1,2% xuống 2,949 USD và nickel giảm 2,8% xuống 18,360 USD/tấn.

Cổ phiếu của các công ty khai khoáng cũng giảm mạnh trong phiên này, với cổ phiếu của BHP Group, Rio Tinto Group, Glencore Plc và Antofagasta Plc đều giảm hơn 3%. Dầu cũng giảm, xuống dưới 65 USD/thùng và chạm mức thấp nhất kể từ tháng Năm.

Malcolm Freeman, giám đốc công ty môi giới Kingdom Futures, cho biết: "Khoảng giá quan trọng của mặt hàng đồng trên biểu đồ phân tích giá hàng tháng là 8.590 USD và việc di chuyển qua mức đó có thể kích hoạt giảm tiếp xuống mức thấp hơn nữa".

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong chín tháng so với các đồng tiền đối tác chủ chốt do dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích trong năm nay, khiến kim loại định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Biên bản cuộc họp của Fed công bố ngày 18/8 cho thấy hầu hết các quan chức Fed đã đồng ý rằng họ có thể bắt đầu làm chậm tốc độ mua trái phiếu vào cuối năm nay, do tiến triển tích cực trong các lĩnh vực lạm phát và việc làm.

Trong khi đó, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và biến chủng Delta không phải lý do duy nhất. Điều này khiến cho các chuyên gia kinh tế cũng như các quan chức chính phủ tỏ ra lo lắng.

Hôm 16/8, nhà chức trách Trung Quốc công bố những dữ liệu mới nhất về sản lượng sản xuất công nghiệp, giá trị đầu tư và doanh thu bán lẻ trong tháng 7, qua đó có thể thấy rõ những vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng chậm nhất trong vòng 11 tháng qua khi chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất ôtô là lĩnh vực mang lại nhiều thất vọng nhất, khi giảm tới 8,5% so với cùng kỳ tháng 7/2020. Ngành ô tô bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong tháng 7 cũng ở ngưỡng thấp nhất tính từ đầu năm đến nay, trong khi nguồn vốn đầu tư vào các loại hình tài sản cố định cũng không được như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này cũng tăng mạnh trong tháng 7 khi lên tới 16,2%, theo dữ liệu chính phủ. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong vòng một năm qua.

"Dữ liệu vĩ mô của Trung Quốc chậm lại gần đây, sự lan rộng của Covid-19 ở Trung Quốc và hiện tại là đồng USD tăng giá mạnh, tất cả đều là những rủi ro tiềm ẩn đối với triển vọng giá đồng trong ngắn hạn, cũng như thách thức khả năng giá tăng về dài hạn", Ole Hansen, giám đốc điều hành phụ trách chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo cho biết.

Tuy nhiên, một nhà quản lý quỹ cho biết vẫn có cơ hội để kim loại cơ bản tăng giá khi Quốc hội Mỹ tiến hành với gói kích thích khổng lồ 3,5 nghìn tỷ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Matthew Fine, giám đốc danh mục đầu tư của Third Avenue Management, cho biết giá đồng đang lừng khừng nhưng vẫn có cơ hội tăng do Mỹ và các nước khác trên thế giới đang hướng tới năng lượng xanh.

Theo ông Fine, mặc dù giá đồng đã giảm hơn 15% so với mức cao nhất từ tháng 5, thị trường vẫn đang ở trạng thái tốt, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến nhu cầu đồng ngày càng tăng.

Ông nói: "Chúng tôi đang chờ đợi những sự kiện tiếp theo sẽ làm tăng tốc thị trường này và tôi kỳ vọng đó sẽ là nhu cầu tiếp tục gia tăng đối với xe điện và nhu cầu về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Các quốc gia phát triển sẽ cần nhiều đồng hơn khi họ nâng cấp lưới điện như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu. Đồng thời, các thị trường mới nổi dự kiến cũng sẽ chứng kiến nhu cầu đồng tăng trong vòng vài năm tới.

Ông nói: "Thế giới đang phát triển nhanh chóng và các nước kém phát triển đang ở giai đoạn thâm dụng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và phân phối điện. Các quốc gia này cũng đang tiêu thụ rất nhiều đồng".

Trong khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng, ông Fine cho biết nguồn cung sẽ tiếp tục khó theo kịp nhu cầu. "Nguồn cung cấp cho các dự án mới đang rất hạn chế. Phải mất một thời gian rất dài để đưa chúng ra thị trường. Các dự báo cho thấy sản lượng đồng sẽ bắt đầu giảm sau năm 2023", và "Trong môi trường này, lợi nhuận đối với các nhà sản xuất sẽ chỉ có thể tăng lên so với hiện tại. Chúng tôi đã thực hiện rất tốt các khoản đầu tư đồng của mình", ông Fine nói.

Tham khảo: Refinitiv, Cnbc

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên