MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá hàng hóa tăng cao, vì sao lạm phát 9 tháng chỉ tăng 2,73%?

29-09-2022 - 17:42 PM | Thị trường

Nhiều người băn khoăn cho rằng chỉ số lạm phát 9 tháng vừa được công bố chưa phản ánh hết biến động tăng giá hàng hóa - Ảnh: A.TH.

Nhiều người băn khoăn cho rằng chỉ số lạm phát 9 tháng vừa được công bố chưa phản ánh hết biến động tăng giá hàng hóa - Ảnh: A.TH.

Con số Tổng cục Thống kê công bố cho thấy lạm phát (CPI) 9 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,73%, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt thời gian qua. Tại sao?

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 9 tăng khoảng 0,4%, quý 3 tăng khoảng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

6 nguyên nhân làm tăng lạm phát từ đầu năm đến nay là giá xăng dầu được điều chỉnh 25 đợt, trong đó có 11 đợt giảm giá và 14 đợt tăng giá. Bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng vừa qua, dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng, nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân tăng khoảng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá thế giới, theo đó giá gas tăng khoảng 18,75% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, đẩy CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,11 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu làm cho giá gạo bình quân tăng thêm 1,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra 3 nguyên nhân kéo giảm lạm phát trong 9 tháng nay là giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.

Giá cước bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá cước điện thoại di động giảm.

Để kiểm soát được lạm phát, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, đặc biệt là giá xăng dầu để hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - thời gian qua việc điều hành của Chính phủ rất sát sao, quyết liệt. Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp về miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ nguồn cung, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân bớt áp lực về giá.

Một loạt nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tác động lớn tới lạm phát được kiểm soát giá chặt chẽ như nhóm dịch vụ giáo dục, giao thông, bưu chính viễn thông.

"Trong năm học 2021-2022, nhiều địa phương đã miễn giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân. Ngoài ra, dịch vụ y tế nếu đúng lộ trình phải tăng giá trong năm 2021 nhưng đến hết tháng 9-2022 vẫn chưa tăng giá", bà Oanh cho biết thêm.

Cũng theo đại diện của Vụ Thống kê giá, trong rổ hàng hóa tính CPI hiện nay, giá dịch vụ giáo dục và y tế chiếm tỉ trọng rất lớn vì người dân chi nhiều cho giáo dục, y tế, hai khoản chi này thường chiếm 12% tổng chi tiêu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, gần 4 năm qua EVN chưa tăng giá điện dù các nguồn nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than tăng cao. Điều này cũng giúp kiềm chế lạm phát, bởi nếu chỉ số giá nhóm điện tăng 10% thì tác động tăng lạm phát chung khoảng 0,33%.

Một loạt hàng hóa quan trọng khác là giá thịt heo đã giảm gần 16% trong 9 tháng, bình quân nhóm hàng hóa này chiếm 3,39% trong rổ hàng hóa CPI, nên giá thịt heo giảm đã kéo CPI 9 tháng qua giảm khoảng 0,54 điểm phần trăm.

"Chúng ta có thể yên tâm kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm nay như Quốc hội đề ra", bà Oanh khẳng định.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng trong những tháng cuối năm vẫn còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI. Đó là giá nguyên nhiên vật liêu hiện nay vẫn đang ở mức cao mà Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất. Giá USD tăng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá.

Hơn nữa, việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý thời gian tới cũng có thể ảnh hưởng làm tăng CPI.

B.NGỌC

Tuổi trẻ Online

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên