Giá hạt nhựa PVC duy trì ở mức thấp, Nhựa Bình Minh (BMP) sẽ phá sâu kỷ lục lợi nhuận?
Giá PVC điều chỉnh mạnh nhưng giá bán của BMP vẫn neo ở mức cao do được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước. Do đó, BMP sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận.
- 29-06-2023Góc nhìn CTCK: Cơ hội gia tăng tỷ trọng khi VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.115 – 1.120 điểm
- 29-06-2023Vì sao VN-Index đột ngột lao dốc sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp?
Trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa, hạt nhựa PVC là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất. Thông thường, hạt nhựa chiếm khoảng 90% chi phí nguyên liệu và chiếm trên 75% tổng chi phí sản xuất ngành nhựa. Do đó, giá hạt nhựa có tác động rất lớn đến chi phí đầu vào, cũng như biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhựa.
Trong báo cáo mới đây của BVSC, giá PVC (theo dữ liệu Bloomberg) tiếp tục điều chỉnh về mức thấp nhất nhiều năm là 780 USD/tấn, sau 9 tháng giao dịch ổn định trong biên độ hẹp 850-900 USD/tấn (tương đương trước Covid). Mức giá này thấp hơn 32,8% so với giá trung bình trong 2022.
Đáng chú ý, bất chấp việc giá PVC điều chỉnh mạnh, giá bán của Nhựa Bình Minh (BMP) vẫn neo ở mức cao, do giá bán thường được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước (như BMP và NTP; khác với thép khi giá bán chịu ảnh hưởng bởi cung-cầu quốc tế). Vì thế, BVSC cho rằng BMP còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận.
Thực tế, biên lợi nhuận gộp của BMP cũng đã liên tục được cải thiện kể từ quý 3/2021 (giai đoạn doanh nghiệp báo lỗ do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội). Chỉ tiêu này vượt đỉnh cũ vào quý cuối năm ngoái và tiếp tục tăng mạnh lên đạt 38,5% trong quý 1/2023, mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Cùng xu hướng với biên lãi gộp, lợi nhuận sau thuế của BMP cũng liên tục tăng quý sau cao hơn quý trước kể từ quý 3/2021 đến nay. Quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành nhựa lãi ròng 281 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ và cao hơn 13% so với quý trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà BMP từng đạt được trong một quý.
Tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận?
Từ quý 3/2022, lợi nhuận ròng/tấn của BMP đã liên tục mở rộng nhanh nhờ hưởng lợi từ chi phí thấp trong khi vẫn có thể giữ giá bán ở mức cao. Xu hướng giá PVC gần đây cho thấy khả năng sinh lời mạnh mẽ có thể vẫn được duy trì trong quý 2-3/2023. BVSC cho rằng BMP có thể sẽ tiếp tục thiết lập mức lợi nhuận ròng/tấn mới.
Với giá nhựa PVC diễn biến thuận lợi và KQKD quý 1 tốt hơn nhiều so với kỳ vọng, BVSC đã điều chỉnh tăng đáng kể 54,8% dự phóng lợi nhuận ròng 2023 cho BMP, lên mức 1.022 tỷ đồng. Con số này cũng cao hơn rất nhiều so với kết quả đạt được năm ngoái và mức lợi nhuận kế hoạch năm nay của doanh nghiệp đầu ngành nhựa.
Nếu tính toán của BVSC là chính xác, BMP sẽ có lần đầu tiên lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm. Yếu tố thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng mạnh có thể đến từ (1) nhu cầu phục hồi trong môi trường lãi suất giảm và đầu tư công mạnh mẽ hơn; và (2) biên lợi nhuận mở rộng chủ yếu nhờ các lợi ích chi phí thấp được duy trì.
Theo BVSC, BMP sẽ duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất ngành đang diễn ra, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ. Ngoài ra, năng lực quyết định giá bán đảm bảo triển vọng biên lợi nhuận của BMP bên cạnh lợi thế kinh tế gia tăng theo quy mô (hiệu suất huy động cao hơn).
Mặt khác, BVSC vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng của BMP giai đoạn 2024-25 lần lượt ở mức 705,5 tỷ đồng và 745,2 tỷ đồng. Dự báo này của BVSC đồng nghĩa với việc BMP có thể sẽ tăng trưởng âm trong năm 2024 do thận trọng với triển vọng giá PVC có thể tăng trở lại khi nhu cầu thế giới phục hồi rõ ràng hơn.
Nhịp Sống Thị Trường