Giá hạt tiêu đột ngột giảm mạnh, xuất khẩu giảm
Mặc dù xu thế giảm giá không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, song không ai nghĩ giá hồ tiêu lại giảm quá sâu khi dự báo nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu vẫn tăng.
- 24-02-2017EC tạm dừng xem xét vấn đề dư lượng Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU
- 16-02-2017SPS Việt Nam tiếp tục phản đối về việc thay đổi dư lượng tối đa cho phép lên hạt tiêu
- 09-02-2017Mỹ đã mua hơn 40.000 tấn hạt tiêu Việt
Trong mấy ngày qua, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới đột ngột giảm mạnh, giá hạt tiêu giao ngay trên sàn Kochi (Ấn Độ) ngày 25/4/2017 còn ở mức 58.788,9 rupee/tạ (giảm 211,1 Rupee/tạ, tức giảm 0,36% so với ngày 24/4/2017, và giảm mạnh 1.399 Rupee/tạ so với ngày 22/4/2017).
Ba ngày qua, giá tiêu kỳ hạn Ấn Độ giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 4 giảm 2.305 Rupee/tạ (tức giảm 5,9%), xuống còn 36.795 Rupee/tạ, tương đương 7.161 USD/tấn và giao tháng 5 cũng giảm 1.945 Rupee (tức giảm 4,87%), xuống còn 38.025 Rupee/tạ, tương đương 7.400 USD/tấn (1 USD = 51,3851 Rupee).
Theo Hội đồng Hồ Tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu trên thị trường quốc tế tiếp tục sụt giảm do Việt Nam đang thu hoạch chính vụ, trong khi vụ mùa ở Ấn Độ, Brasil, Indonesia đã hoàn tất.
Giá hạt tiêu tại Việt Nam cũng giảm mạnh ở các vùng nguyên liệu lớn. Mặc dù xu thế giảm giá này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, song không ai nghĩ giá hồ tiêu lại giảm quá sâu khi dự báo nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu vẫn tăng.
Cụ thể, tại Đăk Lăk giá hạt tiêu ngày 26/4/2017 giảm xuống còn 92.000 đồng/kg (giảm 7.000đ/kg so với ngày 22/4). Tại Gia Lai giảm 6.000 đ/kg; Đăk Nông giảm 7.000 đ/kg; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 7.000 đồng/kg; Đồng Nai giảm 3.000 đồng/kg. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua, còn vùng giá tiêu thì đang ở thấp nhất 10 năm.
Xuất khẩu tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
Trong những năm qua, với khối lượng xuất khẩu trên 100 ngàn tấn/năm, Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 thế giới. Không những thế, với trình độ thâm canh cao, sản lượng tiêu Việt Nam cũng đứng đầu thế giới tuy diện tích trồng vẫn ít hơn các nước sản xuất chính khác như Ấn Độ, Indonesia, cho nên trong tương lai gần cả thế giới trông chờ vào hạt tiêu Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, quý I năm 2017 cả nước xuất khẩu 51.141 tấn hạt tiêu, thu về 323,6 triệu USD (tăng 15,3 5% về lượng nhưng giảm 12,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, riêng tháng 3/2017 xuất khẩu 29.064 tấn hạt tiêu, thu về 170,9 triệu USD (tăng 113% về lượng và tăng 89% về kim ngạch so với tháng 2/2017).
Trong nửa đầu tháng 4/2017 xuất khẩu 11.551 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 66,37 triệu USD (tăng 9,62% về lượng nhưng giảm 16,84% về giá trị so với cùng kỳ tháng 3). Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 5.746 USD/tấn, giảm 2,3% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 3/2017.
Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang 26 thị trường chủ yếu trên thế giới; trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đứng đầu về kim ngạch, với 9.388 tấn, tương đương 65,6 triệu USD, chiếm 18,4% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 20,3% trong tổng kim ngạch (giảm 15,7% về lượng và giảm 35,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).
Thị trường lớn thứ 2 là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với 3.873 tấn, trị giá 21,7 triệu USD (tăng 24% về lượng nhưng giảm 4,7% về kim ngạch); tiếp đến thị trường Pakistan với 2.900 tấn, trị giá 17,9 triệu USD (tăng 69% về lượng và tăng 38% về kim ngạch); xuất sang Ấn Độ 2.306 tấn, trị giá 14,2 triệu USD (giảm 34,8% về lượng và giảm 48% về kim ngạch).
Xuất khẩu hạt tiêu trong quý I/2017 sang hầu hết các thị trường đều bị sụt giảm so với quý I/2016; trong đó các thị trường giảm mạnh là: Ba Lan (giảm 45% về lượng và giảm 52% về kim ngạch); Australia (giảm 42% về lượng và giảm 53% về kim ngạch); Ấn Độ (giảm 35% về lượng và giảm 48% về kim ngạch).
Tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu vẫn tăng mạnh ở một số thị trường như: Pakistan (tăng 69% về lượng và tăng 38% về kim ngạch); Anh (tăng 68% về lượng và tăng 37% về kim ngạch); Bỉ (tăng 87% về lượng và tăng 52% về kim ngạch); Cô Oét (tăng 45% về lượng và tăng 15% về kim ngạch).
Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quý I/2017