Giá hạt tiêu tăng mạnh sẽ hút hết lượng hàng tồn trong dân
Dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đang tăng mua để trả nợ các đơn hàng xuất khẩu đã ký.
- 21-03-2021Giá hạt tiêu có dấu hiệu đã đạt "đỉnh"
- 10-03-2021Giá hạt tiêu vượt 60.000 đồng/kg lên cao nhất gần 2 năm, có thể sẽ đạt 70.000 - 90.000 đồng/kg?
- 27-02-2021Sản lượng hạt tiêu thế giới kết thúc một thập kỷ tăng liên tiếp
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng trung bình 7.500 đồng/kg so với cuối tháng 9/2021.
Ngày 14/10, giá tiêu giao dịch ở mức thấp nhất 85.500 đồng/kg (Đồng Nai) và cao nhất là tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 89.000 đ/kg.
Các thị trường xuất khẩu chính đều tăng cả lượng và kim ngạch
Thống kê mới nhất từ Tổng cục hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 9/2021 đạt 15.336 tấn, trị giá 61,837 triệu USD, so với tháng 8/2021 giảm 13% về lượng và giảm 7% về kim ngạch.
Cộng dồn đến cuối kỳ báo cáo, xuất khẩu hạt tiêu đạt 212.983 tấn, trị giá 719,159 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 3,2% về lượng nhưng tăng đến 47% về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2021 đạt 4.032 USD/tấn, tăng gần 7 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 8/2021.
Top 10 thị trường xuất khẩu hạt tiêu trong 9 tháng đầu năm lần lượt, gồm: Mỹ, Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, Đức, Ấn Độ, Pakistan, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Ai Cập và Nga.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều tăng về khối lượng và giá trị, đặc biệt top 5 thị trường hàng đầu ghi nhận mức tăng mạnh mẽ. Cụ thể:
Đứng đầu là thị trường Mỹ với khối lượng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 46.653 tấn, kim ngạch 169,60 triệu USD, tăn 9,70% về lượng và tăng 59,71% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lớn thứ hai là Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất đạt 13.615 tấn, kim ngạch 47,39 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 37% về lượng và tăng 2,15 lần về kim ngạch.
Đức đứng thứ 3 với khối lượng xuất khẩu đạt 9.248 kim ngạch gần 40 triệu USD. So với cùng kỳ tăng 7,97% về lượng và tăng 68,61% về kim ngạch.
Thị trường Ấn Độ đứng thư tư với khối lượng xuất khẩu đạt 10.700 tấn, kim ngạch gần 37 triệu USD. So với cùng kỳ tăng 1,59% về lượng và tăng 57,41% về kim ngạch. Đứng thứ năm là Pakistan với 9.509 tấn, kim ngạch 31,47 triệu USD. So với cùng kỳ tăng 12,61% về lượng và tăng 81,50% về kim ngạch.
Top 5 thị trường còn lại là: Hà Lan xuất khẩu đạt 7.106 tấn, kim ngạch 28,70 triệu USD; Thị trường Anh đạt 4.600 tấn, kim ngạch 17,50 triệu USD; Hàn Quốc đạt 4.806 tấn, kim ngạch 17,44 triệu USD; Ai cập đạt 4.661 tấn, kim ngạch 16,69 triệu USD; thị trường Nga đạt 9.883 tấn, kim ngạch 16 triệu USD.
Thị trường hạt tiêu sẽ tốt đến cuối năm
Hàn Quốc tuy chỉ đứng thứ 8 trong top 10 thị trường, nhưng được cho là rất khả quan do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tương đối ổn định trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 4.568 tấn, trị giá 19 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 17% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020.
Trong thời gian này, Hàn Quốc giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Indonesia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Thái Lan. Cụ thể: Nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 4.151 tấn, trị giá 16,5 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 39,2% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hàn Quốc trong thời gian này đạt 4.161 USD/ tấn, tăng mạnh 47,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hàn Quốc từ hầu hết các nguồn cung chính tăng, ngoại trừ Thái Lan.
Tuy nhiên, do tổng lượng nhập khẩu hạt tiêu của Hàn Quốc giảm mạnh, nên thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc vẫn tăng từ 73,6% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 90,88% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Qua số liệu phân tích trên có thể thấy, ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm vị trí nhà cung cấp số 1 và quan trọng tại thị trường Hàn Quốc. Triển vọng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hàn Quốc khả quan do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tương đối ổn định trong thời gian tới.
Hiện giá tiêu trong nước được giao dịch ở mức thấp nhất 85.500 đồng/kg (Đồng Nai) và cao nhất là tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 89.000 đ/kg. Và theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương dự báo, nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra và khi đạt mốc 90.000 - 95.000 đồng/kg thì có thể lượng hàng tồn từ 2 - 3 năm trước sẽ được bán ra thị trường.
Theo phân tích của chuyên gia, giá tiêu tăng mạnh đã diễn ra trong suốt thời gian vừa qua và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong những tháng cuối năm do 3 yếu tố:
Thứ nhất, nguồn cung khan hiếm khiến và một số doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh thu mua để phục vụ các đơn hàng cuối năm.
Thứ hai, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng như một số nước sản xuất hạt tiêu lớn trên thế giới như Brazil, Indonesia giảm mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng sau khi nới lỏng giãn cách và nhằm bổ sung lượng tồn kho đã cạn của các thị trường tiêu thụ lớn trước các kỳ lễ, tết cuối năm.
BizLive