Giá hạt tiêu tăng nhưng không bền vững
Nguồn cung từ vụ thu hoạch trước còn nhiều trong khi nhu cầu không lớn là một trong những lí do khiến xu hướng tăng giá hạt tiêu nhiều khả năng không bền vững.
- 12-06-2018Xuất khẩu cà phê Việt Nam chiếm gần 50% thị phần nhập khẩu vào Nga
- 12-06-2018Cao su ngày càng xuất mạnh sang Trung Quốc, chiếm tỷ trọng đến hơn 73%
- 12-06-201810 mẫu xe bán chạy nhất tháng 5/2018: Xe nội át vía xe nhập
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước những ngày đầu tháng 6/2018 tăng tại hầu hết các tỉnh/huyện khảo sát so với cuối tháng 5/2018, trừ tại tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này nhiều khả năng sẽ không bền vững do nguồn cung từ vụ thu hoạch trước vẫn còn nhiều, trong khi nhu cầu không lớn. Khách hàng Trung Quốc đã từ chối các hợp đồng hạt tiêu trắng của Việt Nam và chuyển sang nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn như Indonesia và Malaysia.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/6/2018, tại thị trường trong nước giá hạt tiêu đen giao dịch ở mức thấp nhất là 56.000 VNĐ/kg tại tỉnh Đồng Nai, và mức cao nhất 59.000 VNĐ/kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. So với cùng kỳ tháng 5/2018, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,7 – 3,4%, riêng tại huyện Chư Sê – tỉnh Gia Lai giá ổn định.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 5/2018 đạt 23,1 nghìn tấn, trị giá 75,15 triệu USD, giảm 14,0% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với tháng 4/2018, giảm 12,8% về lượng và giảm 45,7% về trị giá so với tháng 5/2017. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu đạt 110 nghìn tấn, trị giá 382 triệu USD, tăng 7,2% về lượng nhưng giảm 36,6% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2017.
Tháng 5/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu ở mức 3.254 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 4/2018, nhưng giảm 37,7% so với tháng 5/2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt 3.477 USD/tấn, giảm 40,8% so với 5 tháng đầu năm 2017.
Tháng 5/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu sang thị trường Thái Lan tăng 4,5% so với tháng 4/2018, đạt mức 4.230 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác giảm như Nhật Bản giảm 10,7%, đạt 4.373 USD/tấn; Bỉ giảm 9,4%, đạt 4.082 USD/tấn.
Tháng 5/2018, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Mỹ tăng 16,0% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với tháng 4/2018, đạt 4,5 nghìn tấn, trị giá 14,62 triệu USD, tăng 1,1% về lượng, nhưng giảm 43,2% về trị giá so với tháng 5/2017. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường trọng điểm khác như Ấn Độ, Đức, Ai Cập, Hà Lan giảm.
Giá hạt tiêu toàn cầu giảm là do nguồn cung dồi dào. Tại Brazil và Việt Nam, nguồn cung hạt tiêu từ vụ thu hoạch trước vẫn còn nhiều, trong khi đó sức ép của vụ hạt tiêu mới ở Indonesia và Malaysia khá lớn. Vụ thu hoạch mới của Indonesia và Malaysia sẽ bắt đầu trong tháng 7 và tháng 8.
Nhịp sống kinh tế