Giá heo hơi tăng lên mức 71.000 đồng/kg
Giá heo hơi ngày 18/8 chạm 71.000 đồng/kg tại Hà Nội và đây cũng là địa phương ghi nhận giá cao nhất cả nước.
- 10-08-2022Giá heo hơi tăng trở lại
- 31-07-2022Giá heo hơi leo dốc rồi hạ nhiệt, đà tăng giá gần đây chỉ trong ngắn hạn?
- 22-07-2022Giá heo hơi sắp chạm mốc 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi thận trọng tái đàn
Giá heo hơi ngày 18/8 chạm 71.000 đồng/kg.
Theo Anova Feed, giá heo hơi ngày 18/8 chạm 71.000 đồng/kg tại Hà Nội và đây cũng là địa phương ghi nhận giá cao nhất cả nước. Tại các địa phương như Hưng Yên, Tái Bình, Cà Mau, giá đang là 70.000 đồng/kg.
Giá mặt hàng này đang có diễn biến trái chiều. Tại Bình Thuận, giá tăng 3.000 đồng/kg lên 62.000 đồng/kg, trong khi đó, tại Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang, Phú Thọ, giá giảm 2.000 đồng/kg. Mức trung bình trên cả nước là 65.300 đồng/kg so với mức 64.700 đồng/kg cuối tuần trước.
Giữa tháng 7, giá mặt hàng này lên đến 75.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành, sau đó giảm và tăng lại trong những ngày gần đây.
Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định giá heo sẽ quanh 68.000 - 70.000 đồng/kg cho năm 2023, do nguồn cung dự báo suy giảm bởi hoạt động tái đàn thấp trong năm tới. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm gần 70% tổng nguồn cung heo hơi cả nước) đang phải chịu áp lực từ chi phí đầu vào tăng cao hơn 15-20% (gồm chi phí thức ăn chăn nuôi, tỷ lệ chết ở heo cao do dịch, nguyên liệu tăng theo giá dầu...).
Giá thức ăn chăn nuôi cũng đang có xu hướng hạ nhiệt do nguyên vật liệu thô như lúa mạch, ngô… đã có tín hiệu giảm vào đầu quý III, nhờ triển vọng về thời tiết thuận lợi và những đàm phán về việc để Ukraine tái xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, mức giảm giá bán thức ăn chăn nuôi đến tay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ có độ trễ nhất định, khoảng 2-3 tháng do tồn kho giá cao tại đại lý các cấp. Cùng với đó, hoạt động tái đàn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần từ 4 -5 tháng. Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán trên cho rằng nguồn cung heo hơi vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực cho đến nửa cuối năm 2023.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu ngô và đậu tương - hai nguyên liệu chính cho sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng lần lượt 1,9% và 17,4%. Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu cũng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù cố gắng thu mua nguyên liệu trong nước, các nhà sản xuất chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc gần 90% vào nhập khẩu. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi khó giảm nếu chi phí cho nguyên liệu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng.
NDH