Giá "khủng" 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tạo áp lực?
Việc những lô "đất vàng" được bán cao hơn gấp 7, 8 lần giá khởi điểm có thể đẩy giá nhà đất lân cận lên cao và tạo áp lực cho chính quyền và doanh nghiệp.
Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM vừa tổ chức thành công buổi đấu giá 4 lô đất trong khu chức năng số 3, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đáng chú ý, mức giá một số doanh nghiệp trả để sở hữu đất tại khu vực này cao kỷ lục, thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM bày tỏ các quan điểm khác nhau về sự kiện này.
Đẩy giá nhà đất lân cận lên cao
Tại buổi đấu giá, lô đất ký hiệu 3-9 có diện tích 5.009 m2 được đưa ra giá khởi điểm là gần 729 tỷ đồng. Công ty TNHH thương mại Bình Minh trúng đấu giá với 5.026 tỷ đồng, cao hơn gần gấp 7 lần giá khởi điểm. Mức giá này tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2 tại khu vực này. Tuy nhiên, con số gây bất ngờ nhất là phiên đấu giá lô đất ký hiệu 3-12 có diện tích hơn 10.000 m2, mức giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng, được Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt mua với giá 24.500 tỷ đồng (cao hơn gấp 8 lần giá khởi điểm). Như vậy, giá trị của khu đất là hơn 2,4 tỷ đồng/m2.
Theo ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, mức giá doanh nghiệp trả cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Trong đó, lô đất số 3-12 có giá tới 2,4 tỷ đồng/m2 thì doanh nghiệp phải làm sản phẩm và bán với mức từ 350 đến 400 triệu đồng/m2. Đây là mức giá quá cao so với giá các sản phẩm khác trong khu vực ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu so với một vài bất động sản ở Quận 1 thời gian gần đây thì cũng tương xứng.
Ông Quang cho rằng sau sự kiện này thì giá bất động sản tại TP.HCM có sự thay đổi: "Thứ nhất là thiết lập mặt bằng giá mới, nhất là mặt bằng đối với bất động sản hạng sang, siêu sang và bất động sản thương hiệu. Thứ hai là sẽ tạo ra một cơn sốt bất động sản mới, vì các bất động sản khác dựa vào cơ sở đấu giá cao đến 8 lần như vậy để đẩy giá bất động sản của mình lên".
Áp lực cho chính quyền và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu đánh giá điều này cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 không phải cho thì hiện tại, mà là sự đón đầu của doanh nghiệp với sự phát triển của khu vực Thủ Thiêm trong thời gian sau này. Việc có doanh nghiệp sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu khu đất chứng tỏ khu vực này có tiềm năng và nhận được sự quan tâm của giới kinh doanh. Mức giá này để đầu tư cho hiện tại rồi từ 3 đến 5 năm tới triển khai kinh doanh là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Thành cũng đặt ra băn khoăn mức giá doanh nghiệp đưa ra có phản ánh giá trị thực của khu vực hay không? Ngoài ra, ông Thành còn cho rằng việc doanh nghiệp đưa ra mức giá cao để trúng đấu giá cũng mang lại nhiều áp lực cho cả chính quyền thành phố lẫn các doanh nghiệp trong những phiên đấu giá các lô đất tiếp theo ở Thủ Thiêm.
"Câu chuyện những lô đất vừa đấu giá thành công gọi là “siêu cao” thì bị áp lực lớn trong việc thẩm định giá để định hình khung giá đất mới trong việc đấu giá những khu đất còn lại. Ngoài ra, việc này cũng gây trở ngại cho các doanh nghiệp, phải tự lượng sức mình liệu có đủ năng lực tài chính, đủ khả năng tham gia những đợt đấu giá tiếp theo hay không" - ông Thành cho biết.
Có thể thấy, buổi đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm vừa diễn ra đảm bảo tính công bằng, giúp ngân sách thu về số tiền lớn góp phần phục vụ lợi ích chung. Để hài hòa lợi ích của các bên, Nhà nước nên dành một phần số tiền thu được từ đấu giá đất, phân bổ cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp để không bỏ quên những người lao động thu nhập trung bình./.
VOV