MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá kim loại tăng nóng: Vụt sáng hay sẽ tăng bền vững?

21-10-2021 - 09:14 AM | Thị trường

Nhu cầu cho các kim loại thiết yếu như đồng, nhôm đều tăng đột trong khi nguồn cung phải mất hàng năm để cân bằng nhu cầu. Do đó, giá kim loại dự kiến chưa thể sớm hạ nhiệt.

GIÁ KIM LOẠI TĂNG NÓNG: VỤT SÁNG HAY SẼ TĂNG BỀN VỮNG?

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toàn cầu không chỉ hỗ trợ giá dầu thô và khí tự nhiên tăng mạnh, mà còn tác động lớn tới giá kim loại trong thời gian gần đây. Lần đầu tiên kể từ tháng 8, chỉ số MXV-Index Kim loại vượt mốc 2.000 điểm và đang hướng tới mức đỉnh cao mới kể từ đầu năm 2021 tới nay. Dòng tiền của giới đầu tư trong nước cũng liên tục đổ vào thị trường kim loại, giúp giá trị giao dịch toàn nhóm đều ở trên 600 tỷ đồng mỗi phiên trong hai tuần qua.

Sự bùng nổ của các mặt hàng kim loại cơ bản

Chỉ trong vòng hai tuần, giá Đồng kỳ hạn tháng 12 trên Sở Comex đã tăng 12.5% lên trên 10,400 USD/tấn và đứng trước cơ hội lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới. Các kim loại khác trên sở giao dịch LME như giá nhôm cũng tăng 6% lên 3.112 USD/tấn, giá chì tăng 10.5% lên 2.376 USD/tấn, và giá kẽm cũng tăng 15% lên 3.508 USD/tấn.

Giá kim loại tăng nóng: Vụt sáng hay sẽ tăng bền vững? - Ảnh 1.

Vào thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng, hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì thiếu điện, khiến cho giá của các mặt hàng kim loại đều gặp sức ép do nhu cầu tiêu thụ bị sụt giảm. Tuy nhiên, sau đó, sự đình trệ này khiến cho giới đầu tư tỏ ra lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung của các kim loại cơ bản trên toàn cầu. 

Không như nhu cầu tiêu thụ, vốn sẽ phục hồi rất nhanh khi các nước quay lại tốc độ tăng trưởng bình thường, nguồn cung sẽ phải mất hàng năm để cân bằng lại khi nhu cầu gia tăng đột biến. Tồn kho đồng trên cả 3 sở giao dịch lớn là Sở COMEX (New York), Sở Thượng Hải, Sở LME (London) đều giảm mạnh trong tháng 9. 

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu dự trữ đồng do những lo ngại khan hiếm nguồn cung trong thời gian sắp tới, và điều này đã đẩy mức chênh lệch giữa giá trị hợp đồng tương lai và hợp đồng giao ngay lên mức 1,010 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 27 năm.

Giá kim loại tăng nóng: Vụt sáng hay sẽ tăng bền vững? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của cả Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9, cho thấy các nhà sản xuất đang phải hứng chịu sức ép lạm phát chưa từng có trong nhiều năm. Trung Quốc vốn là nhà xuất khẩu lớn của thế giới, nên với việc các nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng mạnh như hiện nay, người tiêu dùng sẽ sớm phải chia sẻ những “gánh nặng lạm phát” này cùng với các nhà sản xuất.

Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trong năm nay như một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các nước có nhu cầu sản xuất công nghiệp lớn như Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, khiến cho những khu vực này sẽ đẩy mạnh chuyển đổi xanh nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô và khí tự nhiên. 

Trung Quốc hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng này. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng than để cung cấp điện, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng không từ bỏ mục tiêu chuyển đổi xanh và duy trì cam kết đạt trung hoà carbon vào năm 2060. Vì thế, nhu cầu cho những kim loại vốn không chỉ thiết yếu trong mọi hoạt động của con người như đồng và nhôm và những kim loại khác đóng vai trò quan trọng trong những ngành năng lượng tái tạo như chì hay kẽm đều được dự báo sẽ tăng mạnh, khiến cho nguồn cung sẽ không đủ đáp ứng.

Giá quặng sắt, thép thất thế do đâu?

Nhóm kim loại vốn không được chú ý nhiều như những mặt hàng dầu thô hay nông sản, tuy nhiên thị trường luôn dành một sự quan tâm đặc biệt dành cho mặt hàng quặng sắt vì đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất thép. Trong đà tăng lần này của nhóm kim loại, giá sắt gần như chỉ đi ngang hoặc giảm và không có bất kì sự bứt phá nào. 

Nguyên nhân sâu xa kìm hãm đà tăng của sắt, thép vẫn xuất phát từ phía Trung Quốc, khi mà Chính phủ nước này không ngừng yêu cầu các nhà máy sản xuất thép phải cắt giảm sản xuất để tiết kiệm điện và hạn chế sản lượng thép năm nay không cao hơn so với năm ngoái. Hiện, sản lượng thép 9 tháng đầu năm của Trung Quốc vẫn đang cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái, nên trong thời gian còn lại của năm, các nhà máy sẽ phải tiếp tục giảm công suất để sản lượng không vượt quá mức kỷ lục 1.6 tỷ tấn của năm ngoái. Do đó, khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, giá quặng sắt khó có thể tăng mạnh.

Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá kim loại màu trên thị trường giao ngay hôm qua ở Trung Quốc đều giảm từ 2 – 3% so với ngày trước đó. Cụ thể, nhôm được bán với giá khoảng 23,120 NDT/tấn ở Hà Nam, đồng khoảng 73,460 NDT/tấn ở Giang Tây và kẽm ở Vân Nam được giao dịch khoảng 25,370 NDT/tấn. Giá giao ngay của các mặt hàng này đều giảm 1 - 2% so với giá hợp đồng kì hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sở Thượng Hải.

Giá quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc biến động nhẹ trong tuần này. Mặc dù cước vận tải biển liên tục hạ nhiệt nhưng vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá quặng sắt. Giá quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc hôm qua tăng 2,3 USD lên 124,96 USD/tấn. Cảng Đường Sơn của Trung Quốc đã tạm dừng các hoạt động vận chuyển kể từ ngày 19/10, do tác động của chính sách bảo vệ môi trường ở quốc gia này.

Doanh nghiệp Việt ứng phó thế nào với đà tăng của giá kim loại?

Theo số liệu từ Trung tâm Thanh toán Bù trừ MXV, giá trị giao dịch trung bình của nhóm kim loại từ đầu tháng 10 tới nay đạt trung bình 590 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 15% so với tháng 9 và tăng tới 25% so với đầu năm 2021. Trong đó chứng kiến sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành sắt, thép, dây cáp đồng,.. Tỉ trọng dòng tiền của doanh nghiệp tăng từ 30% trong tháng 1, lên mức 65% trong tháng 10 năm nay.

Giá kim loại tăng nóng: Vụt sáng hay sẽ tăng bền vững? - Ảnh 3.

Đứng trước đà tăng phi mã của giá kim loại, với nhận định giá có thể đạt các mốc cao lịch sử trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt đứng trước lựa chọn: bảo hiểm rủi ro hay đặt cược vào sự bấp bênh của thị trường. Trải qua rất nhiều kinh nghiệm trong quá khứ, các nhà máy luyện kim, các công ty xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất dây cáp đồng,…đều đang coi bảo hiểm rủi ro là nghiệp vụ trọng tâm trong bối cảnh này. 

Các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đều đang được sử dụng hiệu quả để chốt giá nguyên liệu trước từ 3 – 6 tháng so với thời điểm giao hàng, giúp doanh nghiệp tránh được rất nhiều rủi ro về giá. Trong giai đoạn cuối năm 2021, với lượng hàng đã chốt xong giá, các doanh nghiệp có thể yên tâm, tập trung nâng cao sản xuất, và không còn phải đau đầu về bài toán giá đầu vào như những năm trước.

Thuỷ Tiên (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên