MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia Lai: Doanh nghiệp biến mất, hàng ngàn tấn bí đao bỏ thối rữa

11-06-2017 - 07:59 AM | Thị trường

Nhiều ngày nay, người dân tại làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê - Gia Lai lâm vào cảnh đứng ngồi không yên khi bí đao chất thành từng đống lớn nhỏ dọc QL 14 và đã bắt đầu có dấu hiệu hư thối.

Lời hứa hẹn trên mây

Người dân làng Pang vốn đã quen với việc trồng những cây nông nghiệp như cà phê, tiêu, chưa từng canh tác trồng thử nghiệm cây bí đao giống Đài Loan bao giờ.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu từ lúc phía Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên PR, hứa hẹn bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/ kg bí đao.

Công ty này không ngần ngại lấy lòng tin của người dân bằng những bản hợp đồng được đóng dấu đỏ.

Cùng với đó, người dân sẽ được hỗ trợ mọi mặt từ cây giống, phân bón đến cả chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn phương thức canh tác loại giống cây trồng.

Bí đao bắt đầu thối rữa

Bí đao bắt đầu thối rữa

Người dân tin vào những lời phân tích, chỉ cần bỏ vốn đầu tư khoảng 40 triệu đồng có thể thu lại được 60 tấn/ha, một khoản thu siêu lợi nhuận hiện hữu trước mắt, bí được đảm bảo đầu ra.

Nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để đầu tư trồng giống bí đao được giới thiệu từ Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên.

Với hy vọng làm giàu, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vài trăm triệu để cải tạo đất, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Isarel để trồng và chăm sóc cho cây bí đao.

Những ngày đầu để gieo trồng được cây bí đao giống Đài Loan rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Bát, một trong những hộ dân ký kết hợp đồng với công ty gieo trồng 3ha bí đao Đài Loan cho biết: “Đây là giống cây mới, rất khó trồng, những hộ dân cùng gieo với gia đình tôi tỉ lệ nảy mầm chỉ được 20 – 40%. Nhiều hộ gặp cảnh cây trồng bị chết yểu dẫn đến thiếu giống phải đến công ty mua thêm giống bí đỏ về trồng để phủ kín diện tích”.

Để tạo lòng tin về phía người dân, thời gian đầu, công ty có cử chuyên gia người nước ngoài đến hướng dẫn bà con phương thức canh tác, sản xuất cho phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng. Đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phân bón, các thuốc bảo vệ thực vật của công ty để kích thích cây phát triển.

Sập bẫy doanh nghiệp

Người dân hoang mang vì không bán được hàng

Người dân hoang mang vì không bán được hàng

Những ngày đầu mới trồng, người dân không khỏi bất ngờ khi thấy giống bí này lớn rất nhanh chóng và cho quả to đẹp. Niềm vui, hy vọng như được nhân lên.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, những chuyên gia thăm vườn ngày càng thưa dần, sau đó ngừng hẳn thì người dân mới mơ hồ nhận ra mình có khả năng bị lừa.

Ông Trần Khắc Liêm cùng mấy anh em trong nhà góp tiền làm 6,5ha bí đao ngậm ngùi kể lại: “Ban đầu chúng tôi có liên hệ với giám đốc công ty là bà Tô Thị Hồng Tươi để báo tin vui vườn bí phát triển rất tốt, cho quả đã to nặng và nhắc bà cho người xuống kiểm tra thu hoạch. Những lần đầu liên hệ với công ty, chúng tôi nhận được câu trả lời bà Tươi đang bận đến những vùng khác để thu mua. Những lần sau đó thì luôn quanh co báo bận, khi thì báo tin bà Tươi đi Trung Quốc để thương thảo hợp đồng với công ty nước ngoài, hoặc viện vô vàn lý do khác nhau. Cho đến ngày 18/4 thì chúng tôi không còn liên lạc được với phía công ty nữa”.

Được biết đa số những hộ dân trồng bí tại đây đều thông qua người đàn ông tên Bình là người quen giới thiệu người dân với công ty. Tuy nhiên khi bí đến kỳ thu hoạch, bế tắc, người dân gặng hỏi ông Bình thì nhận được câu trả lời ông Bình cũng chỉ là nạn nhân như những người khác.

Làm phân bón cao su

Người dân làng Pang vốn thật thà chân chất lại có quan hệ quen biết với ông Bình nên khi nhận được bản hợp đồng từ phía công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên thì chỉ đọc qua loa rồi ký vào luôn. Đến khi công ty “biệt vô âm tín”, họ mới xem lại bản hợp đồng và phát hiện thấy có rất nhiều điều khoản bất lợi cho người dân.

Cụ thể: người dân bán bí từ vườn cho người khác không thông qua công ty sẽ phải chịu bồi thường gấp 10 lần. Tuy nhiên, bản hợp đồng không hề nói tới việc công ty không thu mua cho người dân sẽ phải bồi thường hay chịu trách nhiệm gì.

Bí đao không bán được người dân bỏ ngoài đồng làm phân bón cho cao su

Bí đao không bán được người dân bỏ ngoài đồng làm phân bón cho cao su

Chính vì sự nhẹ dạ, cả tin nên giờ đây người dân phải nhận lấy trái đắng. Nhìn những quả bí to đẹp nặng từ 8 – 15kg, ông Phạm Văn Suốt nghẹn lòng: “Gia đình tôi thuê khoảng đất trống trong các lô cao su còn nhỏ để tận dụng trồng bí mong có chút thu hoạch, trang trải gia đình. Tiền bạc của cải đổ cả vào vườn bí, mà bí thì không người thu mua nhà tôi chỉ còn biết mang ra đường quốc lộ bán vớt vát. Tính từ đầu mùa tới nay, gia đình tôi bán ra không đến 1 tạ, số bí còn lại nằm lăn lóc trên vườn ước tính lên tới hơn 400 tấn. Có số thì hư thối, chỉ đành chờ hoai mục, dùng làm phân bón cho rừng cao su…cho người ta.”

Cần qua chính quyền khi ký hợp đồng

Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết, hiện Phòng đã nắm được vấn đề trên và đưa ra khuyến cáo người dân cần cân nhắc ký lưỡng khi ký kết những hợp đồng liên quan đến những giống cây mới lạ. Đồng thời khi ký hợp đồng phải thông qua chính quyền địa phương để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Bản hợp đồng bất lợi từ phía công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên ký kết với người dân

Bản hợp đồng bất lợi từ phía công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên ký kết với người dân

Ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai cho biết, Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên đã có ký kết hợp đồng với rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện về trồng và bao tiêu sản phẩm bí xanh và bí đỏ. Hiện UBND xã mới tổng hợp được 8 hộ có quy mô trồng lớn, với 18,5ha tuy nhiên đây chỉ là bề nổi.

Đây cũng có thể được xem là một trong những bài học đánh vào sự chủ quan của người nông dân khi không tìm hiểu kỹ tình hình, chủ quan, tin tưởng vào những câu mời chào theo kiểu “đem con bỏ chợ”.

Theo Nguyễn Nụ - Sông Cài

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên