MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia Lai dư nguồn cung do phát triển điện mặt trời áp mái ồ ạt

Tại Gia Lai, do ồ ạt phát triển điện mặt trời áp mái dẫn đến tình trạng dư nguồn cung, thậm chí gấp đôi so với nhu cầu phụ tải khiến hàng trăm doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này bị cắt sa thải (tức là cắt không mua điện) luân phiên.

Ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai thừa nhận, ngành điện đã dự đoán được tình trạng thừa nguồn ngay trong năm 2020, khi thực hiện thoả thuận đấu nối với doanh nghiệp. Vì vậy, 70/463 nhà đầu tư thoả thuận đấu nối cuối năm 2020 đều phải ký thêm thoả thuận phụ về việc đồng ý bị cắt điện nếu có quá tải, như một điều kiện để được ngành điện cho đấu nối và ký hợp đồng mua bán. Trong đó, có 35 đơn vị được yêu cầu lắp thêm thiết bị để điện lực thực hiện đóng, cắt điện từ xa trong trường hợp khẩn cấp.

Thực tế hiện nay, tổng công suất của các dự án điện mặt trời áp mái tại Gia Lai là hơn 603 MWp, cao gấp đôi nhu cầu phụ tải điện của địa phương là 300 MWp. Điều này cộng thêm việc tính toán tăng trưởng phụ tải điện khoảng 10%/ năm  của ngành điện sai lệch so với thực tế, khiến tình trạng nguồn cung điện đã thừa, nay còn thừa hơn.

“Tại thời điểm đấu nối, theo tính toán của ngành điện lưới điện đủ khả năng giải toả công suất nhà đầu tư. Tuy nhiên, khách quan là do ảnh hưởng của Covid-19, tốc độ tăng trưởng điện không như tính toán là 9 đến 10%/ năm, nhưng thực tế chỉ tăng 1 đến 2%. Như vậy còn 70 đến 80% thừa nguồn và phải đẩy lên lưới điện, dẫn đến thừa nguồn và quá tải cục bộ lưới điện. Nhóm 1 đã trong tính toán là thừa nên họ cam kết, họ phải chịu. Đó là rủi ro trong đầu tư, thì nhà đầu tư phải chia sẻ với ngành điện” - ông Quý chia sẻ.

Bà Trần Thị Diễm, chủ của hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại công suất 1MWp ở xã Chư Hậu, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết, từ tháng 1/2021 tới nay, trung bình mỗi tuần, hệ thống điện 1MW của bà bị cắt điện 1 ngày, gây thất thu khoảng 50 triệu/ tháng.

Theo bà Diễm: "Để đầu tư được hệ thống điện này, bà bỏ số vốn 15 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 10 tỷ đồng. Theo tính toán ban đầu, nếu hệ thống chạy hết công suất, thì sau 7 năm sẽ thu hồi vốn. Tuy nhiên, tình trạng cắt sa thải thường xuyên của điện lực hiện nay đang khiến kế hoạch kinh doanh của bà bị đảo lộn.

Tôi thấy lãng phí nguồn điện, ảnh hưởng lợi ích doanh nghiệp. Hiện tại, theo lịch điều  độ của Điện lực Gia Lai, thì trung bình chúng tôi bị cắt 4 đến 6 ngày/ 1 tháng, ảnh hưởng tới doanh thu tháng của chúng tôi mấy chục triệu, làm chậm tiến độ thanh toán ngân hàng, bị động các nguồn tài chính".

Hiện nay, hầu hết 463 hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại tại Gia Lai đều bị cắt sa thải điện theo 2 dạng là khẩn cấp và theo kế hoạch được báo trước. Theo đó, những đơn vị đã được yêu cầu lắp thiết bị đóng, cắt từ xa sẽ bị cắt khẩn cấp, bất kỳ lúc nào thừa nguồn, quá tải cục bộ. Còn những hệ thống khác sẽ bị cắt từ 4 đến 10 ngày/1 tháng.

Điều đáng nói thêm là việc cắt sa thải thường diễn ra vào giữa ngày, thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất, cũng là lúc các hệ thống này cho lượng điện năng suất nhất. Một chủ trang trại đầu tư 15 tỷ đồng làm gần 1MWp điện năng lượng mặt trời áp mái ở huyện Ia Grai, dù không ký thoả thuận cắt sa thải, nhưng vẫn thường xuyên bị cắt điện cho biết.

Bình quân một ngày bị cắt điện là mất đi 8 triệu, thời gian thu hồi vốn bị kéo dài. Ở góc độ mua bán với nhau thì không công bằng. Vì nhà đầu tư từ chuyện chủ động tính được bài toán lợi ích của mình lại trở thành người bị động vì sản xuất ra chừng đó điện mà không biết sẽ bán được bao nhiêu thì rõ ràng mọi bài toán đều mờ mịt hết.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, địa phương có bức xạ nhiệt lớn và có hạ tầng truyền tải điện phù hợp phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, phải tới khi có chủ trương khuyến khích tại Quyết định 13/2020 thì các nhà đầu tư mới hưởng ứng mạnh mẽ. Trong năm 2020, từ nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư, ngành điện đã có thêm lượng phụ tải điện tương đương với công suất của Thuỷ điện Ialy.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc điện lực thoả thuận đấu nối ồ ạt, khiến nguồn cung điện dư gấp đôi so với nhu cầu phụ tải dẫn đến tình trạng cắt sa thải lại đang gây lãng phí nguồn năng lượng sạch và lãng phí lớn nguồn lực của nhà đầu tư. Xét trong mối quan hệ thương mại, với tư cách là đơn vị độc quyền mua điện, nhưng lại ký đấu nối cho quá nhiều dự án, khiến cung vượt xa cầu, thì rõ ràng EVN đang tạo ra một cuộc mua bán mà chỉ bản thân mình có lợi, đẩy  bất lợi và thế bị động cho các nhà đầu tư, đưa họ vào thế rám mặt với điện mặt trời./.

Theo Nguyễn Thảo

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên