MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lợn cao đe dọa sự bền vững của doanh nghiệp chăn nuôi

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, từ tháng 1/2020, thị trường thịt lợn đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, dự báo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vẫn hướng tới xuất khẩu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ NN&PTNT đã quyết liệt trong việc khống chế dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn, nhưng giá lợn hơi vẫn còn cao. Thủ tướng lưu ý, giá lợn hơi cao sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã khống chế dịch ở mức độ thấp nhất và đang tập trung tái đàn rất nhanh. "Tổng số 8.280 xã bị dịch tả lợn Châu Phi đến giờ phút này chúng ta đã có 98% số xã qua 30 ngày không có dịch. Có 34 tỉnh đã công bố hết dịch, số tỉnh còn lại đang làm thủ tục để công bố hết dịch" – Bộ trưởng nói.

Về tái đàn lợn, theo Bộ trưởng, đến nay có tới 12 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn cao hơn cùng kỳ trước khi phát sinh dịch; Có 20 tỉnh có đàn tăng trên 80% sau khi hết dịch và chỉ còn có 10 tỉnh có đàn dưới 50% so với trước dịch.

"Tất cả các địa phương, doanh nghiệp đang tập trung tái đàn",  Bộ trưởng khẳng định và cho biết từ tháng 3, tháng 4 trở đi tốc độ sản phẩm lợn tái đàn rất nhanh. Lý do tháng 9/2019 chúng ta quyết định tái đàn vì dịch xuống thấp thì 5 tháng sau có lợn, tức là vào tháng 2, tháng 3 có lợn.

Về giá lợn, Bộ trưởng cho biết, tháng 12/2019 giá cao nhất là trên 95.000 đồng/kg; đến tháng 1/2020 đưa xuống còn 85.000 đồng/kg; đến tháng 2 chính thức đưa về 75.000 đồng/kg và những tháng tới tiếp tục xuống.

"Thông báo giá hiện nay ở Trung Quốc là 120.000 đồng/kg, Myanmar hiện nay đang  65.000 đồng/kg, Campuchia là 62.000 đồng/kg. Do đó, giá ở mức 75.000 đồng/kg và tới đây sẽ giảm nữa sẽ phù hợp với tình hình chung và cục diện tái đàn của chúng ta", Bộ trưởng khẳng định.

Ngày 13/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi với các doanh nghiệp để đưa giá lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp lớn đã hưởng ứng việc này  như Dabaco, CP… Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: "Nếu giá lợn cứ tăng cao thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại. Hiện nay không thiếu gì các loại gà ngon, thủy sản ngon, trứng ngon..., người dân ăn mãi rồi sẽ quen, đến lúc không cần ăn thịt lợn nữa". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví von, muốn ăn nhiều, ăn ngon phải biết ăn dè, ăn vừa phải, xã hội và doanh nghiệp cùng "gặp nhau" chia sẻ giá thành ở mức hợp lý. Sản xuất vừa phải sẽ bền vững lâu dài chứ tăng cao quá sẽ gây bất ổn.

Nhập khẩu thịt lợn tăng 150%

Chỉ 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 65.865 tấn thịt các loại, trong đó gia tăng nhập khẩu nhiều nhất là thịt lợn với số lượng nhập khẩu đạt 13.816 tấn, tăng tới 150% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước trong năm 2019 là 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với năm 2018 là 239.000 tấn). Năm 2020, tính đến ngày 29/2, tổng số lượng thịt nhập khẩu là 65.865 tấn.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn là hơn 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada 33,06%, Đức 25,4%, Brazil 16,10%, Ba Lan 15,81% và Hoa Kỳ 7,78%

Với thịt trâu, bò và  sản phẩm thịt trâu bò: Nhập khẩu hơn 12.459 tấn thịt bò và 12.934 tấn thịt trâu. Trong đó, thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Hoa Kỳ, Australia, Canada.

Với thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm: Nhập khẩu hơn 26.656 tấn; trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên