MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lợn tăng, dịch tả lợn tái phát, người chăn nuôi thấp thỏm lo âu

02-11-2020 - 21:34 PM | Thị trường

Giá lợn hơi đang có chiều hướng tăng trở lại nhưng người chăn nuôi chưa kịp mừng đã lo thua lỗ bởi dịch tả lợn châu Phi quay trở lại.

Chị Nguyễn Thị H., một hộ chăn nuôi quy mô lớn tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc cho biết, giá lợn hơi đang có chiều hướng tăng lên nhưng chị chưa kịp mừng đã vội lo phòng dịch tả lợn châu Phi tái phát.

Ngay trong sáng nay (2/11), chị H. đã phải bỏ đi con lợn hơn 1 tạ vì bị nhiễm bệnh. Dù chưa rõ nguyên nhân nhưng chị H. tỏ ra vô cùng lo lắng vì thấy một số hộ gia đình khác trong xã cũng đã bắt đầu phát hiện lợn ốm, lợn chết.

"Trong chuồng nhà tôi hiện giờ có mấy trăm con lợn, giá trị lên đến vài tỷ đồng. Giá lợn hơi những phiên gần đây có cải thiện, song dịch tả lợn châu Phi vẫn đang rình rập nên chúng tôi lo lắm", chị H. chia sẻ.

Theo lời kể của gia đình anh Phạm Bá T. - một chủ trang trạng nuôi lợn lớn ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giá nhập lợn giống vào chuồng đã hơn 80.000 đồng/kg, nhưng mấy tháng vừa qua giá lợn hơi liên tục lao dốc, có thời điểm chỉ nhỉnh hơn 60.000 đồng/kg khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Nay giá bắt đầu có dấu hiệu nhích dần lên, hiện tiến sát mốc 65.000 đồng/kg lợn hơi cân tại chuồng, lẽ ra người chăn nuôi phấn khởi, nhưng thực tế lại không như vậy bởi đang xuất hiện nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi.

"Chúng tôi sợ dịch tả lợn hơn sợ rủi ro về giá lợn hơi rất nhiều. Khi dịch bệnh xuất hiện thì nguy cơ lợn chết hàng loạt, chúng tôi lại trắng tay", anh T. bày tỏ lo lắng.

Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay (2/11) tiếp tục tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với phiên giao dịch trước đó. Hiện giá lợn hơi cả nước được thu mua trong khoảng 63.000 - 75.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam - nơi thu mua lợn lớn bậc nhất miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay báo tăng 2.000 đồng/kg lên 65.000 - 68.000 đồng/kg. Tại tỉnh Lào Cai, giá lợn hơi cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 69.000 đồng/kg. Tại tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái giá lợn hơi hôm nay ở mức 68.000 - 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi ở tỉnh Thái Bình ghi nhận mức 70.000 - 72.000 đồng/kg.

Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt tăng, hiện dao động trong khoảng từ 67.000 - 74.000 đồng/kg.

Tương tự như các khu vực trên, giá lợn hơi tại miền Nam ngày 2/11 cũng ghi nhận tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua, lên mức 72.000 - 79.000 đồng/kg.

Các chủ trang trại nuôi lợn cho rằng, giá lợn hơi gần đây tăng là do bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát trở lại ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vào các tháng cuối năm tăng cao.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đỗ Thế Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện mong muốn tìm con giống để tái đàn song vẫn còn lo lắng về dịch bệnh nên chưa dám mạnh dạn đầu tư chăn nuôi.

Tại huyện Bình Lục đã xuất hiện lợn ốm, lợn chết ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan chức năng vẫn đang tìm nguyên nhân, chưa kết luận là do dịch tả lợn châu Phi. Nhưng ở huyện Lý Nhân - huyện giáp ranh với Bình Lục - thì đã có mấy xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, ông Trọng thông tin.

Tỉnh Hà Nam đã có đề án tái đàn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn bằng hình thức hỗ trợ một phần tiền mua con giống, nhưng vì diễn biến của dịch tả lợn châu Phi còn đang phức tạp nên tạm thời chưa khuyến khích nông dân tái đàn.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục khuyến cáo, để tái đàn, tăng đàn, trước hết phải bảo đảm được an toàn dịch bệnh. Do vậy, cần xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh môi trường khu vực chuồng trại, những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để giám sát, kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Người chăn nuôi tái đàn lợn cần theo hướng an toàn sinh học, mua con giống ở những địa chỉ có uy tín để hạn chế dịch bệnh phát sinh./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên