Giá lợn tăng vọt: Nông dân vui mừng hết lỗ, các doanh nghiệp quy mô như Dabaco, HAGL, Masan MEATLife… cũng kỳ vọng lãi lớn
Trước diễn biến trên, nhiều hộ chăn nuôi hào hứng chia sẻ đã chuyển từ lỗ sang lãi. Riêng với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, kỳ vọng tăng trưởng đã nhanh chóng phản ánh vào thị giá cổ phiếu trên thị trường. Tuần qua, bất chấp thị trường chung biến động giảm mạnh, các mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai, DBC của Dabaco, BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vẫn duy trì mốc giá ổn định, thanh khoản tăng mạnh.
Ghi nhận tuần qua, giá lợn tiếp tục tăng vọt. Trong đó, tại một số thủ phủ chăn nuôi như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... giá lợn hơi tăng vọt 4.000 - 5.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 62.000 đồng/kg. Tương tự ở phía Nam, giá lợn trung bình dao động từ 63.000-73.000 đồng/kg, tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 6.
Được biết, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh là bởi thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo khi lợn mới chỉ 60-80kg đã bán. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Ngoài ra, giá chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt lợn tăng theo.
Ở thị trường lớn lân cận, tính từ đầu tháng 7, giá lợn của Trung Quốc đã vọt lên mức trung bình 71.300 đồng/kg, cao hơn mức cao nhất của heo hơi Việt. Nguyên nhân, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trở lại tại Trung Quốc sau nới lỏng lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, Bắc Kinh đã đẩy giá heo tại thị trường tăng mạnh.
Trước diễn biến trên, nhiều hộ chăn nuôi hào hứng chia sẻ đã chuyển từ lỗ sang lãi. Riêng với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, kỳ vọng tăng trưởng đã nhanh chóng phản ánh vào thị giá cổ phiếu trên thị trường. Tuần qua, bất chấp thị trường chung biến động giảm mạnh, các mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai, DBC của Dabaco, BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vẫn duy trì mốc giá ổn định, thanh khoản tăng mạnh.
Điểm qua về tình hình kinh doanh các đơn vị trên, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) cho biết tính đến cuối tháng 5/2022 đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để duy trù nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm.
Trong đó, tự chủ được nguyên liệu và sản xuất thức ăn đầu vào khiến Công ty hưởng lợi trong bối cảnh hiện nay, bất chấp nhiều đơn vị cùng ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, giá thành sản xuất tại HAGL theo chia sẻ gần nhất của lãnh đạo chỉ vào khoảng 38.000 đồng/kg.
5 tháng đầu năm, mảng chăn nuôi HAGL đạt 326 tỷ đồng. Tương ứng, tổng doanh thu thuần (tính tổng các mảng) tính đến hết ngày 31/5/2022 là 1.475 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 431 tỷ đồng - gấp 3,4 lần con số cả năm ngoái.
Còn Dabaco (DBC), được biết đến là doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi lợn với hệ thống trang trại lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc, cung ứng hàng vạn lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Tính đến cuối năm 2021, chi nhánh Lạc Vệ tại Bắc Ninh hiện nuôi 2.200 lợn nái, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh DBC Hải Phòng đang nuôi 2.200 con nái cơ bản, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh Hà Nam đang có 3.200 lợn nái, cung ứng 90.000 lợn giống thương phẩm, chi nhánh Phú Thọ với 4.800 lợn nái… Ngoài ra, Công ty hiện đang có chi nhánh lợn giống hạt nhân tại Bắc Ninh với 4.500 lợn giống gốc, lợn giống cụ kỵ, ông bà các chủng loại như Duroc, Pietrain... lượng cung ứng lên đến 55.000 – 60.000 giống nuôi thịt hàng năm. Năm 2021, DBC đã hoàn tất đầu tư (~1.000 tỷ đồng) trang trại tại Tuyên Quang với quy mô 2.000 con lợn nái, dự kiến cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Kết thúc quý đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu tăng hơn 13% lên 2.806 tỷ đồng. Khác với HAGL, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 60% xuống 254 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, bằng 2,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ quý 2/2019 của Công ty.
DBC lý giải diễn biến phức tạp của cuộc chiến Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mì, đậu tương… bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng cùng khó khăn, cản trở từ dịch bệnh đã khiến chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
Dù chỉ vừa thành lập từ năm 2017, BAF đã đặt tầm nhìn sẽ trở thành DN thuộc Top 3 công ty chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó, Công ty chú trọng heo giống, và từng bước hoàn thiện chuỗi khép kín 3F. Tính đến cuối năm 2021, BAF sở hữu hệ thống trang trại với quy mô 14 chuồng trại, tổng 130.000 con heo. Công ty cũng vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 260.000 tấn/năm.
Năm 2022, BAF chủ trương hoàn thiện mảng ghép cuối cùng là "Food" trong chuỗi khép kín của mình. Từ đầu tháng 7/2022, BaF đã triển khai phân phối sản phẩm thịt mát được truy xuất nguồn gốc rõ ràng đến tay người tiêu dùng. Trước đó từ tháng 6/2022, BaF cũng đã bắt tay với ông lớn trong ngành thương mại điện tử là Sen Đỏ để triển khai bán thịt online trên nền tảng này.
Kết thúc quý đầu năm, doanh thu chăn nuôi của BAF tăng gần gấp đôi lên 294 tỷ đồng. Dù vậy, do mảng bán nông sản giảm khiến tổng doanh thu giảm đến 38% so với cùng kỳ. Chi phí tăng cao cũng kéo lùi lợi nhuận quý đầu năm của BAF, giảm 6% xuống gần 88 tỷ đồng.
Cuối cùng, nằm trong hệ sinh thái lớn của Tập đoàn Masan, Masan MEATLife (MML) cũng dự hưởng lợi đáng kể từ việc giá lợn tăng. Thực tế, điều này Công ty đã sớm dự báo, ghi nhận tại giải trình KQKD quý 1/2022, ban lãnh đạo MML đánh giá diễn biến thịt lợn đã tiến vào vùng ổn định trong quý 1 và kỳ vọng sẽ tăng vào cuối năm do tác động của lạm phát. Doanh nghiệp đặt mục tiêu cải thiện biên EBITDA, mở rộng mảng kinh doanh qua phát triển nguồn cung biền vững, nâng cao công suất sử dụng, đưa sản phẩm vào hệ thống WinCommerce và đa dạng hóa danh mục thịt chế biến.
Được biết, MML bắt đầu tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi heo từ năm 2016 bằng việc xây dựng và vận hành trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao có tổng diện tích trên 223ha tại Nghệ An. Với vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, trang trại có khả năng cung cấp 250.000 con heo mỗi năm.
Để hoàn thiện mô hình tích hợp 3F trong chuỗi giá trị thịt và có thể phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cuối năm 2018, MML cũng đã đưa vào vận hành khu liên hợp chế biến thịt đầu tiên tại tỉnh Hà Nam và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATDeli tại Hà Nội và các vùng lân cận. Sản phẩm MEATDeli sau đó đã được ra mắt tại Tp.HCM và các vùng lân cận vào tháng 9 năm 2019.
Nhịp sống kinh tế