MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá lợn thấp, giá thịt cao, người nuôi thua lỗ, người tiêu dùng bị 'móc túi'

21-10-2021 - 10:24 AM | Thị trường

Giá lợn thấp, giá thịt cao, người nuôi thua lỗ, người tiêu dùng bị 'móc túi'

Trong khi giá lợn hơi đang phổ biến mức dưới 40.000 đồng/kg thì thịt lợn ở siêu thị vẫn bán với giá cao ngất. Nghịch lý này khiến người chăn nuôi lợn đang thua lỗ nặng, còn người tiêu dùng lại bị móc túi....

Theo khảo sát của PV tại các chợ ở Hà Nội ngày 19/10 cho thấy, giá thịt lợn đã giảm mạnh kể từ sau khi thành phố trở về trạng thái “bình thường mới”.

Hiện tại, mức giá phổ biến tại các chợ là: Thịt ba chỉ ngon 100.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với đầu tháng; thịt nạc vai, thịt thăn, thịt chân giò có giá giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, giảm khoảng 50.000 đồng so với đầu tháng 10. Tương tự, các loại xương cũng giảm đáng kể, như sườn thăn 100.000 đồng/kg, xương cổ 35.000-40.000 đồng/kg, xương ống, xương đuôi 15.000-20.000 đồng/kg...

Tại hệ thống siêu thị Big C vào sáng 19/10, giá thịt lợn được niêm yết ở siêu thị này như sau: Thịt nạc thăn 130.000 đồng/kg; thịt chân giò rút xương 135.000 đồng/kg; thịt nạc vai và thịt nạc mông sấn cùng có mức giá 110.000 đồng/kg; thịt nạc đùi 130.000 đồng/kg. Đặc biệt, thịt ba chỉ loại 1 có giá lên tới 165.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn xay tại siêu thị có loại 130.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 140.000 đồng/kg; thịt vai 125.000 đồng/kg, thịt chân giò rút xương 135.000 đồng/kg; thịt ba chỉ có giá từ 165.000 đến 190.000 đồng/kg tùy loại.

Mức giá trên tại các siêu thị đã giảm khoảng 10.000 – 40.000 đồng/kg so với đầu tháng, nhưng so với giá thịt lợn ngoài chợ, giá thịt lợn ở siêu thị đang cao hơn khoảng 30-35%.

Trong khi giá thịt lợn ở siêu thị đang bán cao chót vót thì giá lợn hơi đang phổ biến ở mức 33.000 đồng đến 40.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh là do vừa qua các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp tái đàn quá nhiều, bên cạnh lượng lớn thịt đông lạnh được nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua càng khiến cung vượt quá cầu.

Chia sẻ với PV Infonet, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, theo khảo sát giá của ông vào sáng 20/10 tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt ba chỉ đã giảm xuống chỉ còn 110.000 – 120.000 đồng/kg, có chợ chỉ còn 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, có siêu thị niêm yết giá thịt nạc vai xay 240.000 đồng/kg. Các loại thịt khác từ 180.000 – 220.000 đồng/kg.

Ông Vũ Vinh Phú cho hay, hàng hóa trong siêu thị chịu thêm 10% thuế VAT, nếu trừ thuế VAT đi thì giá thịt ở 1 số siêu thị còn cao hơn so với chợ khoảng 20-25%, trong khi giá thịt lợn hơi chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg, thậm chí cả nước đang ứ đọng 8 triệu con lợn.

Vị chuyên gia này đã chỉ ra những nguyên nhân gây nên bất cập trên. Thứ nhất, việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trong thời gian qua khiến nhu cầu về thịt lợn giảm. Thứ hai, một lượng lớn thịt lợn nhập khẩu được nhập về trong 9 tháng qua với khoảng 275.000 tấn, tương đương khoảng 8.000 con lợn mỗi ngày. Thứ ba, khâu trung gian đang chi phối quá lớn đến giá thịt lợn.

“Con lợn đến khi về đến siêu thị phải đi qua 4 cầu, mỗi cầu ăn khoảng 10%, cộng thêm chiết khấu 15-20% cho siêu thị thì giá đã đội thêm 60% rồi”, ông Phú nói.

Tuy nhiên, theo ông Phú, cũng có những siêu thị làm việc trực tiếp với nhà cung cấp mà không phải đi qua quá nhiều cầu. Chẳng hạn như, theo phản ánh của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Vĩnh Long, Công ty CP giao lợn mảnh (lợn móc hàm) cho các siêu thị như Coopmart với giá 63.000 đồng/kg. Chỉ cần bán với giá 80.000 đồng là siêu thị đã lãi lớn, nhưng hiện nay thịt lợn tại Coopmart Vĩnh Long vẫn có giá từ 120.000 – 170.000 đồng/kg.

Ông Vũ Vinh Phú lưu ý, thông tin hầu hết hàng hóa ở siêu thị trong đó có thịt lợn là hàng ký gửi, tức là siêu thị không phải chịu vốn và chi phí lưu thông.

“Hàng ký gửi mà siêu thị ăn như thế là ăn quá đáng. Trong khi đó Bộ NN&PTNT là cơ quan định hướng kế hoạch chăn nuôi, tổ chức giết mổ chưa chặt chẽ dẫn tới việc nguồn cung dư thừa khiến giá lợn bị rớt giá gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, thiếu trách nhiệm với người chăn nuôi.

Người chăn nuôi đang thua lỗ nặng, trong khi người tiêu dùng vẫn bị móc túi. Cho đến nay tôi mới chỉ thấy một lãnh đạo Cục Chăn nuôi nói vớt vát được một câu rằng thịt lợn giá cao là do qua nhiều khâu trung gian.

Đối với người tiêu dùng, theo quy định trong Luật Giá, khi có giá đột biến, các cơ quan chức năng như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có quyền yêu cầu kê khai giá để yêu cầu hạ giá nếu có dấu hiệu tăng giá bất thường. Là cơ quan kiểm soát giá nhưng lại buông lỏng để giá bán lẻ lợn cao là rất vô lý, không những gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.”, ông Phú cho hay.

Cũng theo ông Phú, cần có giải pháp đồng bộ để cứu vãn tình hình hiện nay. Đối với người chăn nuôi, cần phải trợ giá con giống cho người chăn nuôi, giảm thuế thức ăn chăn nuôi, giãn nợ vay ngân hàng cho người chăn nuôi.

“Nếu không có giải pháp kịp thời, người chăn nuôi sẽ không tái đàn và nguy cơ hiện hữu trước mắt là sẽ thiếu thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới”, ông Vũ Vinh Phú dự báo.


Theo Hiền Anh

Infonet

Trở lên trên