Giá lợn tụt dốc không phanh, cách nào ứng cứu?
Sau hơn 2 tháng giãn cách, số lượng lợn tồn đọng đang ở mức cao khiến người dân phải bán tống bán tháo. Giá lợn hơi tuột dốc không phanh, xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. Người chăn nuôi cho biết, với giá lợn hiện nay, càng xuất chuồng càng lỗ lớn.
- 13-10-2021Giá lợn ở Trung Quốc đảo chiều tăng vọt do nguy cơ sản lượng giảm trở lại
- 12-10-2021Giá lợn hơi chạm đáy, thịt lợn ở chợ và siêu thị vẫn "đứng im"
- 11-10-2021Xót lợn nuôi bán lỗ thê thảm, đi chợ phải mua thịt giá cao, chủ nuôi tự tay mổ lợn bán
“Cứ xuất chuồng lỗ 1 triệu đồng/con”
Với quy mô nuôi gần 1.000 con, ông Nguyễn Quang Sáng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang thấp thỏm khi đàn lợn bước vào độ xuất chuồng.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Sáng cho biết, giá lợn hơi giảm kỷ lục đang khiến gia đình ông thua lỗ nặng. Với khoảng 850 con lợn thịt và 150 lợn nái, mỗi tháng, riêng tiền cám, gia đình ông Sáng tốn hơn 600 triệu đồng; cùng với đó là gần 50 triệu tiền điện và tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cám đã tăng tới 30-40%, gia đình phải chi đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
“Đến lúc xuất chuồng, giá lợn hơi cứ cắm đầu tuột dốc, chỉ còn 38.000 - 40.000 đồng/kg. Giờ cứ xuất chuồng, chúng tôi lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Riêng từ đợt tháng 6 đến nay, mỗi tháng gia đình lỗ hơn 200 triệu đồng”, ông Sáng ngậm ngùi nói.
Ông Sáng cho biết, cứ xuất chuồng, gia đình ông lỗ 1 triệu đồng/con
Ông Sáng cho biết, gần 20 năm nuôi lợn, chưa lần nào gia đình ông thiệt hại nặng như lần này. Thậm chí, ngay cả thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh vào năm 2019, ông cũng không phải quá lo lắng vì trang trại nuôi lợn của gia đình được đầu tư khép kín với quy chuẩn khắt khe.
“Bán xong lứa này, từ giờ đến cuối năm, tôi không dám tái đàn lợn mà giảm lượng lợn nái từ 150 con xuống còn 50 con để theo dõi thị trường. Lúc giá thịt lợn lên cao, Nhà nước điều tiết xuống là hợp lý. Nhưng giá thịt lợn xuống thấp như hiện nay, chúng tôi chưa thấy có chính sách gì hỗ trợ, ít nhất là bình ổn chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thú y, con giống…”, ông Sáng cho hay.
Giá còn giảm tiếp đến hết tháng 10
Theo ghi nhận của Tiền Phong, giá lợn hơi ngày 13/10 tại miền Bắc khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá khoảng 38.000 - 44.000 đồng/kg. Ở khu vực miền Nam giá khoảng 41.000 - 44.000 đồng/kg. So với đầu tháng 8, khi cả nước đang trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội, giá lợn hơi giảm từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Còn so với thời điểm lập đỉnh vào năm 2019, giá lợn hơi đã giảm hơn 65%. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 2 năm gần đây.
Về việc giá thịt lợn tuột dốc không phanh, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp do nhà hàng, quán ăn, nhà máy, bếp ăn tập thể, trường học chưa hoạt động trở lại, trong khi đây là những nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nên chưa kéo giá lợn hơi tăng lên được.
Giá lợn hơi giảm kỷ lục do sức mua trên thị trường vẫn ở mức thấp |
Theo ông Trọng, trong suốt 2 tháng qua, các tỉnh giãn cách xã hội khiến "đầu ra" của lợn hơi bị tắc, số lượng lợn nặng trên 120kg/con tồn đọng khoảng 30%, kéo theo giá lợn hơi giảm sâu. Giá lợn giống nuôi thương phẩm cũng rớt từ mức 3 triệu đồng/con xuống còn 1,3 triệu đồng con. Người dân và doanh nghiệp đang phải bán tống bán tháo số lợn tồn.
Ông Trọng cho biết, thông thường để nuôi lợn có lãi, giá lợn hơi trên thị trường phải đạt khoảng 70.000 đồng/kg. Nhưng với giá lợn hiện nay, từ người chăn nuôi nhỏ lẻ, đến trang trại, thậm chí là doanh nghiệp lớn cũng sẽ lỗ.
“Trước mắt, làm sao phải tiêu thụ hết được số lợn hơi đang tồn đọng trong chuồng. Theo dự báo giá lợn hơi có thể giảm đến hết tháng 10. Dự báo đầu tháng 11, khi nhu cầu thị trường tăng, giá lợn sẽ bắt đầu tăng trở lại. Điều lo nhất, những hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ không đủ sức cầm cự, trong khi vốn đã cạn nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trọng nói.
"Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ nông hộ để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn, đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào và khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động tái đàn để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới".
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)
Tiền phong