Giá lúa gạo tăng “nóng”: Cần có chiến lược về giá
Giá lúa gạo tăng "nóng" thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành gạo Việt Nam.
- 27-08-2023Thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ ra sao sau động thái mới của Ấn Độ, Myanmar?
- 14-08-2023Giá lúa, gạo tiếp tục tăng mạnh
- 06-08-2023Thủ tướng: Xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi, đẩy giá lúa gạo lên cao
Thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc
Đúng với dự báo của chuyên gia đầu ngành, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những gam màu sáng khi các doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng mới.
Ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nhiều doanh nghiệp vừa ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo cho hết quý IV năm nay.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 9 này, phía Indonesia thông báo sẽ mua 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Tương tự, nhiều nước khác cũng đang tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam để bù vào nguồn thiếu hụt do Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu.
Giá lúa gạo tăng và những vấn đề đặt ra
Giá gạo xuất khẩu tăng sẽ có lợi cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng phải chấp nhận được. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Tính đến đầu tháng 9 này, xuất khẩu gạo mang về 3,17 tỷ USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục ngành gạo đạt được. Rõ ràng thị trường xuất khẩu đang rộng mở, tuy nhiên việc giá tăng "nóng" thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành gạo Việt Nam.
Một kg gạo doanh nghiệp mua vào với giá 15.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2022, giá đã tăng đến 40%. Đầu vào tăng kỷ lục khiến các doanh nghiệp gạo gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu.
"Tồn kho của doanh nghiệp không còn nhiều, do đó doanh nghiệp hết sức cẩn thận và cân nhắc ký hợp đồng giao dịch mới vì hiện giá lúa đang rất cao", ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật, cho biết.
Hiện 1 kg lúa tươi có giá từ 7.800 - 8.200 đồng. Giá nguyên liệu tăng nóng đã đẩy giá gạo xuất khẩu liên tục lập đỉnh, có thời điểm lên mức 640 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ. Không chấp nhận, nhiều đối tác quay lưng, buộc các doanh nghiệp gạo trong nước phải giảm giá bán.
Giá xuất khẩu giảm buộc các nhà máy phải hạ giá thu mua nguyên liệu khiến nông dân phải chịu thiệt thòi, vì vậy cần sớm có giải pháp để giữ giá tốt cho hạt gạo Việt Nam.
"Phối hợp để xem lại từ khâu sản xuất, chế biến để làm sao hài hòa, ổn định giá cả giữa người nông dân sản xuất, người bán và người tiêu thụ cuối cùng", ông Nguyễn Minh Việt, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Long An, cho hay.
Lâu nay, hoạt động mua - bán lúa, gạo giữa nông dân và doanh nghiệp gần như phụ thuộc vào hệ thống cò và thương lái, do đó cần xử lý thật nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá, làm bất ổn thị trường. Chỉ khi lợi ích thật hài hòa giữa các bên, ngành gạo mới phát triển bền vững.
Cần có chiến lược về giá lúa gạo
Giá gạo xuất khẩu tăng sẽ có lợi cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng phải chấp nhận được. Để hài hòa vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm minh bạch quyền lợi giữa các bên và nên có chiến lược về giá trong thời gian tới.
"Giá lúa từ 7.000 đồng lên đến 8.000 đồng không phù hợp với giá gạo xuất khẩu hiện nay. Ví dụ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang cao nhất thế giới, khoảng 630 - 640 USD/tấn, là phù hợp, nhưng với giá lúa ở ngoài thị trường lên đến 8.000 đồng/kg lúa tươi như vậy là bất hợp lý. Chúng ta cần xem lại giá lúa từ 7.000 đồng lên đến 8.000 đồng có đến tay người nông dân hay không lại là một vấn đề", ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nêu ý kiến.
"Theo ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên can thiệp vào thị trường giá cả trong nước, bởi ảnh hưởng từ việc cò lái thu gom, đẩy giá gạo trong nước lên cao, khiến doanh nghiệp xuất khẩu không tiếp cận được với nguồn gạo trong nước. Trong khi nguồn gạo trong nước lại xuất đi các nước cũng gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Nhựt Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang, đề xuất.
"Tôi cho rằng nên có cơ chế định hướng giá sàn xuất khẩu và cơ chế về tài chính cho ngành gạo để doanh nghiệp khi nhập hàng chưa đúng giá kỳ vọng như giá sàn thì chúng ta có thể giữ lại. Giữ lại cần nguồn tài chính để tránh xuất khẩu khi vòng quay vốn đến hạn buộc phải bán đổ, bán tháo, bán rẻ, bán dưới giá sàn", ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật, nêu quan điểm.
VTV.VN