Giả mạo cổng thông tin Bộ Công an để giăng bẫy lừa đảo
Theo Bộ Công an, hiện nay xuất hiện nhiều trang thông tin giả mạo cổng thông tin điện tử của Bộ, lan truyền thông tin quảng cáo các dịch vụ như "hỗ trợ phục hồi tiền bị treo", "thu hồi tiền từ các trường hợp lừa đảo"...
- 11-05-2024Đường dây giả danh nhân viên Shopee thực hiện 2.000 cuộc điện thoại lừa đảo mỗi ngày
- 11-05-2024Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị lừa đảo 100.000 USD
- 09-05-2024'Nổ' có bố làm ở Bộ Công an, 'nữ quái' lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- 03-05-2024Vụ phân lô bán nền lừa đảo ở Phú Quốc: Một công chức địa chính đầu thú
Các trang thông tin giả mạo cổng thông tin điện tử của Bộ Công an thường đăng tải video, bài viết cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, các đối tượng còn chèn thêm quảng cáo về các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ phục hồi tiền bị treo", "thu hồi tiền từ các trường hợp lừa đảo"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã khôi phục được số tiền đã mất.
Bộ Công an cho biết, đây là một trong những chiêu trò mới để tiếp cận những người dân đã trở thành nạn nhân của lừa đảo, bằng cách lợi dụng tâm lý tiếc tiền và mong muốn lấy lại tài sản đã mất, từ đó tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an khẳng định rằng, hiện nay Bộ này chỉ cung cấp thông tin chính thức trên mạng thông qua hai kênh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (https://mps.gov.vn/ và https://bocongan.gov.vn/) và Trang Thông tin Bộ Công an trên Facebook (https://www.facebook.com/mps.gov mibextid=LQQJ4d).
Bộ Công an khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, giả mạo Bộ Công an; tuyệt đối không nên tin tưởng, không liên hệ với các trang web, fanpage, hoặc tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ phục hồi tiền bị treo", "thu hồi tiền từ các trường hợp lừa đảo"... trên mạng.
Đặc biệt, người dân không nên chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào để được "hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ".
Bộ Công an và các đơn vị liên quan không hợp tác, không ủy quyền cho bất kỳ đối tượng nào để hướng dẫn hoặc thu thập hồ sơ từ người dân về các trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư thông qua đường bưu chính về các trường hợp lừa đảo mà họ gặp phải, để được tiếp nhận và giải quyết.
Tiền Phong