Giá mủ cao su và giá xuất khẩu cùng tăng mạnh
Những ngày đầu tháng 8, giá mủ cao su tại thị trường nội địa nối tiếp đà tăng. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
- 03-08-2017Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Đã đến lúc mở tiệc mừng?
- 09-07-2017Giá đường và cà phê rủ nhau tăng, cao su và gạo đi xuống
- 28-06-2017Cao su Việt Nam: Thừa vẫn thừa mà thiếu thì vẫn cứ thiếu
Cùng với xu hướng giá tăng từ tháng 7, sang tháng 8 giá mủ cao su trong nước tiếp tục đà tăng trưởng. Cụ thể ngày 7/8, Công ty cao su Lộc Ninh đã ra thông báo giá thu mua mủ cao su tăng 5 Đ/độ TSC ở cả giá thu mua tại vườn và nhà máy, đạt lần lượt 290 Đ/độ TSC và 295 Đ/độ TSC (trước đó hồi đầu tháng 8 giá chỉ đạt 285 Đ/độ TSC và 290 Đ/độ TSC). Bên cạnh đó, giá thu mua mủ tạp cũng tăng 400 đồng/kg đối với mủ chén dây khô lên 13.100 đ/kg tươi; 200 đồng mủ chén dây và mủ chén ướt, đạt lần lượt 11.500 đ/kg tươi và 9.100 đ/kg tươi…
Trước đó, trong tháng 7/2017 theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước tăng nhẹ từ mức 270 đồng/độ lên 280 đồng/độ, giá mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tăng 2.700 đồng/kg, từ 10.300 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg.
Xuất – nhập khẩu cao su cùng tăng
Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, tháng 7/2017 Việt Nam đã xuất khẩu 151,1 nghìn tấn cao su, trị giá 225,3 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 19,8% về trị giá – đây là tháng tăng thứ ba liên tiếp – nâng lượng cao su xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 lên 634,9 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 38,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1.850,9 USD/tấn, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam gồm Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc, chiếm thị phần lần lượt 60,3%, 5,4% và 4,8%.
Là thị trường xuất khẩu cao su chủ lực, tình hình xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang ở trạng thái ổn định về lượng, tuy nhiên chất lượng các chủng loại sản phẩm chưa đồng đều, ngoài sản phẩm cao su SVR 3L. Sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tính đến ngày 13/7/2017 đạt 35.250 tấn. Giá cao su SVR 3L sơ chế đóng bánh 33,3 kg giữ ở mức ổn định trong 3 tháng nay là 18.500 NDT/tấn. Các sản phẩm khác như SVR5, SVR-L, SVR-CV5-, SVR-CV60 giá dao động quanh mức 17.300 NDT/tấn do phải cạnh tranh với các sản phẩm tương đương của Thái Lan, Malasyia và Indonesia.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cao su tháng 7 đạt 46 nghìn tấn, trị giá 83,8 triệu USD, tăng 5,8% về lượng nhưng giảm 4,2% về trị giá, nâng lượng cao su nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2017 lên 292,1 nghìn tấn, trị giá 624,4 triệu USD, tăng 27,5% về lượng và tăng 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2017 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 55,6% thị phần. Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng 2,7 lần).
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hầu hết lượng cao su nhập khẩu là dùng để tái xuất khẩu, số ít còn lại phục vụ nhu cầu của các công ty sản xuất lốp xe. Sản phẩm cao su nhập khẩu được các công ty ưa chuộng hầu hết là TSR10 và TSR20. Tuy nhiên, sản lượng loại cao su này rất ít do giá thành rẻ. Lượng cao su SVR10 và SVR20 chỉ chiếm 15-17% nhu cầu nội địa trong khi nhu cầu thực tế lên tới 65-70%. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất nguyên liệu thô trong nước chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm cao su chất lượng cao như SVR3L, SVR-CV50 và SVR-CV60 mà ít khi để ý các sản phẩm giá rẻ như SVR10 và 20.
Triển vọng giá tiếp tục tăng
Từ nay đến cuối năm 2017, xu hướng chủ đạo của thị trường cao su thế giới vẫn là xu hướng thuận lợi trong mối quan hệ cung – cầu. Tuy nhiên, các yếu tố thị trường không cơ bản lại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn đến giá cao su. Trước tiên, giá dầu thô bình quân 3 quý đầu năm chỉ đạt xấp xỉ 54 USD/thùng và được dự báo sẽ dao động quanh mức trung bình là 52 USD/thùng trong quý IV. Kế đến, những chuyển biến mới đây của chính sách kinh tế Mỹ là không thuận lợi đối với tâm lý thị trường cao su, trong đó quyết định tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang (FED) có khả năng làm giảm dòng tiền vào các thị trường châu Á.
Kết hợp những yếu tố cơ bản và không cơ bản của thị trường, có thể nhận định rằng giá cao su khó có thể tăng cao từ nay đến cuối năm 2017, tuy nhiên sự thiếu hụt cao su trên thị trường thế giới cho đến cuối năm có thể góp phần làm cho giá cao su không thể suy giảm sâu hơn mà còn có thể tăng lên ít nhiều so với thời điểm hiện nay.
Tại thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu sẽ bị tác động của giá thế giới, bên cạnh đó giá cũng được hỗ trợ bởi những thông tin thuận lợi trên thị trường như:
+Sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới vẫn trong xu hướng giảm. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), thiếu hụt về nguồn cung nhưng giá cao su thiên nhiên thế giới xu hướng vẫn giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2017, thâm hụt nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu đã lên gần 600.000 tấn, trong khi hiệp hội dự báo mức thâm hụt sẽ xấp xỉ 700.000 tấn đến cuối tháng 6.
+ Giá cao su giảm nên người dân hạn chế lấy mủ, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung (giá cao su TOCOM tính đến cuối tháng 6/2017 đã giảm 42,8% so với mức đỉnh giá ghi nhận vào cuối tháng 1/2017). Theo Chủ tịch ANRPC, giá cao su thiên nhiên trên thị trường hàng thực đang chịu sự chi phối rất lớn từ tâm lý giao dịch trên hai sàn Thượng Hải và TOCOM. Trong khi đó, hai sàn giao dịch này lại rất nhạy cảm với những biến động trên thị trường tiền tệ, giá dầu thô và căng thẳng địa chính trị. Nói cách khác, thị trường cao su đang bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài, không phải yếu tố cung – cầu.
+ ANRPC hạ dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2017 xuống còn 12.756 triệu tấn, từ mức dự báo trước đó là 12.771 triệu tấn do thị trường đang trong xu hướng giảm, nên người trồng cao su có thể sẽ giảm diện tích trồng cao su cũng như tần suất lấy mủ.
+ Campuchia và Ấn Độ vẫn là hai nước sẽ tăng mạnh sản lượng cao su thiên nhiên trong năm 2017 nhờ diện tích cây cao su lấy được mủ tăng. Trong đó, sản lượng của Campuchia ước tăng 35,3% so với năm ngoái lên 196.400 tấn và sản lượng của Ấn Độ ước tăng 20,2% lên 750.000 tấn. Ngược lại, ANRPC dự đoán nguồn cung cao su thiên nhiên của Indonesia sẽ chỉ tăng 0,2% so với năm ngoái lên 3,2 triệu tấn trong năm nay. Với Thái Lan, dù diện tích cây cao su có thể lấy mủ tăng nhưng sản lượng cũng sẽ chỉ tăng 5,1% lên 4,38 triệu tấn.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Để tăng cường xuất khẩu cao su ra thị trường thế giới và có tính cạnh tranh cao, mới đây mặt hàng cao su đã được đưa vào danh sách là một trong 8 mặt hàng nông thủy sản đang có lợi thế xuất khẩu được tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nội dung của Quyết định số 1137/QĐ-TTg Chính phủ ban hành ngày 3/8/2017, phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Những mặt hàng cao su được đánh giá có lợi thế xuất khẩu và có triển vọng nâng cao năng lực cạnh tranh khi xét trên các quan điểm sau:
– Tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để chủ động hội nhập quốc tế.
– Có thể khai thác tối đa lợi thế hiện có và có tiềm năng tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
– Có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa gắn với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
– Có sự gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và Nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành cao su thiên nhiên đã có những bước phát triển nhanh và có diện tích lớn nhất trong các cây công nghiệp dài ngày tại Việt Nam, đạt trên 976.000 ha vào năm 2016.
Ngành cao su đang dần tìm lại được con đường phát triển bền vững nhờ đa dạng hóa sản phẩm. Một trong những hướng đi là đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra đa dạng sản phẩm thứ phát để gia tăng giá trị. Đặc biệt, đã chú trọng khai thác được tiềm năng từ gỗ cây cao su. Gỗ cao su ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gỗ và sản phẩm gỗ, góp phần giảm áp lực nhập khẩu và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành gỗ Việt Nam.
Trong năm 2016, gỗ cao su đã đóng góp 22,1% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam và đóng góp 31,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành cao su.
Nhằm làm tăng giá trị sản xuất, đưa gỗ cao su trở thành sản phẩm chủ lực, trong thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ đẩy mạnh trồng rừng đạt chứng chỉ FSC ở các đơn vị thành viên.
Để phát triển rừng trồng cao su bền vững, phần diện tích rừng cao su phải đảm bảo các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế; có quyền sử dụng đất và sở hữu đất rõ ràng; có sự tôn trọng và hỗ trợ người bản địa. Đồng thời, có phương án quản lý bền vững; giảm thiểu tác động đến môi trường, cải thiện đa dạng sinh học.