MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá mủ tăng, các vùng trồng cao su có dấu hiệu sội đông trở lại

09-03-2018 - 09:11 AM | Thị trường

Giá mủ cao su trên thị trường từ trước tết đến nay đang có dấu hiệu tăng khá, từ 32 - 33 triệu đồng lên 39 - 40 triệu đồng/tấn, trong khi hầu hết các Cty cao su lại hết hàng tồn kho để giao dịch thương mại.

Cố giữ lại vườn cây già cỗi

Theo qui luật, cứ đến tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, cây cao su bắt đầu thay lá, đây cũng là thời điểm ngành cao su “gác chén” ngưng cạo.

Giá mủ tăng, các vùng trồng cao su có dấu hiệu sội đông trở lại - Ảnh 1.

Vườn cây cao su già cỗi đến tuổi thanh lý được một số nhà vườn "níu" giữ lại khai thác vì kỳ vọng giá sẽ tăng


Giá mủ tăng, chính vì vậy, vùng cao su tiểu điền cung cấp khoảng 700 ngàn tấn mủ/năm (Tập đoàn Cao su VN có 300 ngàn tấn), đang có một số nhà vườn cố duy trì công việc cạo để bán mủ. Thậm chí, có một số chủ vườn “níu” lại vườn cây già cỗi, mặc dù đã đến lúc phải thanh lý.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, khi giá mủ cao su xuống đáy chỉ còn 26 - 27 triệu đồng/tấn vào năm 2015 trong khi giá tiêu lại ở giai đoạn cực thịnh lên đến 220 - 230 ngàn đồng/kg, đã dẫn đến người dân tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ thi nhau chặt bỏ hàng trăm ha cao su để trồng tiêu, trong đó có nhiều vườn cao su già còn đang cho mủ chưa đến tuổi phải thanh lý.

Ông Đinh Phước Sang, trồng 5,5ha cao su ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, mức giá của cây cao su thanh lý hiện đang lên 1,7 - 1,9 triệu đồng/cây đối với cây trên 20 năm tuổi, nhưng thực tế rất ít người thanh lý vì muốn giữ lại vườn cây để khai thác mủ.

“Tôi đang có 2ha, tháng 11 năm ngoái là đến tuổi thanh lý, nhiều chủ gỗ đến hỏi mua nhưng tôi cố giữ lại thêm 2 - 3 năm nữa, hiện nhà tôi vẫn khai thác theo chế độ D3 (2 ngày cạo, 1 ngày nghỉ) do giá mủ khá ổn định, dao động mức 290 - 310 đồng/độ (tương đương khoảng 36 - 39 triệu đồng/tấn). Hy vọng, sắp tới giá mủ tăng mạnh vì diện tích cao su già cỗi đến lúc thanh lý ở trong dân và các công ty cao su còn nhiều”, ông Sang nói.

Ông Lê Văn Vận, Giám đốc Cty XNK Đại Việt (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), một doanh nghiệp chuyên thu mua cao su tiểu điền về chế biến thành mủ cốm xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc cho biết, ngày 8/3, giá mủ cao su SVR 3L (loại phổ biến nhất) bán ra tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) bình quân 38 triệu đồng, so với trước tết chỉ có 32 - 33 triệu đồng/tấn.

“Năm nay, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu dự báo sẽ tăng 4,5% so với mức trên 13 triệu tấn của năm 2017. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng nhanh (thị trường này chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam - PV)”, ông Vận nói tự tin.

Phục hồi vườn cây khi giá tăng

Riêng tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), giá bán mủ cao su đạt xấp xỉ 39 triệu đồng/tấn. Với giá này, tuy chưa phải là cao so với những năm cực thịnh 2011 trở về trước, nhưng có thể coi là dấu hiệu phục hồi dần so với 2 - 3 năm trước. Nếu so với kịch bản giá thành thì các Cty cao su vẫn có lợi nhuận từ 5 - 6 triệu đồng/tấn.

Giá mủ tăng, các vùng trồng cao su có dấu hiệu sội đông trở lại - Ảnh 2.

Giá mủ cao su xuất khẩu đang tăng nhẹ, tư 35 triệu đồng/tấn tăng lên 38 - 39 triệu đồng/tấn


Ông Nguyễn Tiến Đức (Phó TGĐ VRG) cho biết, năm nay Tập đoàn tiếp tục đưa ra kịch bản giá bán mủ cao su xoay quanh mức 36 triệu đồng/tấn. Như vậy, để đảm bảo có lãi từ 5 - 6 triệu đồng/tấn mủ thì giá thành sản xuất sẽ dao động ở mức 30 - 31 triệu đồng/tấn. “Về giá mủ cao su, dự báo có thể sẽ không có nhiều thay đổi so với kịch bản giá của năm 2017 mà Tập đoàn đã đưa ra. Vì vậy, Tập đoàn vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung giảm tối đa các loại chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm”, ông Đức nói.

Trái lại, theo ông Đỗ Minh Tuấn (TGĐ TCty Cao su Đồng Nai), từ giữa năm 2017 đến nay, giá mủ cao su có tăng tốt nhưng đơn vị lại gặp khó khăn về nguồn lao động. Chỉ riêng lao động khai thác mủ ngay từ đầu năm số lượng công nhân giảm gần 600 người. Vì thế, nhằm giải quyết nguồn lao động, TCty đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng công nhân từ các tỉnh miền Tây lên. Bởi nếu chỉ trông vào tuyển dụng lao động tại địa phương là rất khó vì Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lao động rất lớn.

Cũng theo ông Tuấn, đối với năng suất vườn cây, TCty Cao su Đồng Nai còn phải cải thiện nhiều hơn. Năng suất hiện tại mới chỉ ở mức hơn 1,6 tấn/ha, trong khi đó yêu cầu cần đạt 1,8 tấn/ha. “Suốt mấy năm liên tiếp giá mủ cao su thấp nên chi phí chăm sóc vườn cây giảm đã ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, có khoảng 2.000ha diện tích cao su thuộc diện đất xấu, riêng Nông trường Ông Quế đã có gần 1.000ha. Hiện nay TCty đang đưa ra hướng xử lý nhằm khi giá mủ cao su có phục hồi nhanh thì TCty có đủ năng suất vườn cây đáp ứng kịp thời”, ông Tuấn nói.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2018 dự báo sẽ tăng 2,8%, tức tăng từ 12,9 triệu tấn của năm 2017 lên 13,5 triệu tấn trong năm nay. ANRPC cũng cho biết các thành viên Hiệp hội tiếp tục nỗ lực để khuyến khích tăng sử dụng cao su tự nhiên tại các thị trường nội địa, nhằm cân đối tốt hơn cung cầu cao su tự nhiên và tính bền vững về dài hạn của ngành cao su tự nhiên trong tương lai.

Tháng 2/2018, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 48 nghìn tấn với giá trị đạt 72 triệu USD. Với giá trị này, khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm ước đạt 184 nghìn tấn và 271 triệu USD, tăng 0,4% về khối lượng nhưng giảm 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tháng 1, giá trị cao su ở hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so cùng kỳ năm 2017 là Trung Quốc (+78,7%) và Thái Lan (+86,9%).

(Nguồn: Bộ NN-PTNT)



Theo Đỗ Quyên

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên