Giá nguyên liệu dự báo "bào mòn" lợi nhuận, Gang thép Thái Nguyên (TIS) đặt kế hoạch lãi giảm 42% trong năm 2022
Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, TIS sẽ thực hiện 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 836 tỷ đồng.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2022 với kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của TIS giảm mạnh 42%, dự kiến ghi nhận 90 tỷ đồng.
Về kế hoạch sản xuất, TIS dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng nhẹ 6,5% đạt 13.811 tỷ đồng. Theo đó, sản xuất gang lò cao ở mức 225 nghìn tấn, sản xuất phôi thép 415 nghìn tấn, sản xuất thép cán 835 nghìn tấn và lượng tiêu thụ thép cán đạt 835 nghìn tấn.
Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, TIS sẽ thực hiện 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 836 tỷ đồng. Trong đó bao gồm Dự án cải tạo mở rộng khai thác than mỡ hầm lò Nam Làng Cẩm với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, Dự án khai thác than mỡ hầm lò khu Bắc Làng Cẩm (khu Âm Hồn) với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng sẳt khu Hòa Bình (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là 56 tỷ đồng.
Về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Tisco sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ ngành của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Về việc chia cổ tức, Tisco cho biết do quá hạn cho khoản cho vay của dự án tính đến ngày 31/12/2021 (2.199 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa có nguồn để trả, trong khi đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2021 là hơn 281 tỷ đồng. Trước tình hình trên, Tisco cho biết công ty không đủ điều kiện để chia cổ tức. Như vậy, đây là năm thứ 10 Tisco không tiến hành phân phối lợi nhuận cho cổ đông.
Nhìn lại năm 2021, Tisco đạt 12.858 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 41%, đạt 12.965 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí LNST đạt 122,7 tỷ đồng, cao gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm ngoái – đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm qua của Gang thép Thái Nguyên.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá nhu cầu thép của các thị trường xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2022 và nhu cầu thép nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ đẩy mạnh chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp ngành thép năm 2022 sẽ suy giảm từ mức cao của năm 2021 do giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bởi giá thép thế giới đã đi qua đỉnh chu kỳ và được kỳ vọng sẽ giảm dần trong năm 2022 – 2023. Bên cạnh giá giá quặng sắt phục hồi nhanh chóng khi mùa xây dựng đến gần và tình trạng thiếu hụt than tại Trung Quốc và phục hồi sản xuất công nghiệp toàn cầu kéo giá than cốc tăng cao.
Trí Thức Trẻ