Giá nguyên liệu leo thang, doanh nghiệp thép gặp khó
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
- 12-05-2021Vật liệu xây dựng tăng "dựng đứng": Giá gỗ, đồng, quặng sắt có thể lên mức nào?
- 12-05-2021Hoạt động xây dựng và sản xuất kích thích nhu cầu thép Trung Quốc tăng mạnh, giá tăng phi mã
- 11-05-2021Giá sắt thép vượt tầm kiểm soát, Trung Quốc tung biện pháp hạ nhiệt thị trường
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 0,8%. Trong đó, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4/2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng tăng 7,7%.
Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Cụ thể, ở miền bắc, giá sắt, thép tháng 4/2021 giao động từ 14,2-15,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,3% so với tháng 3/2021, tăng 29% so với tháng 10/2020 và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại miền nam, giá sắt, thép tháng 4/2021 giao động từ 15,5-16,4 triệu đồng/tấn, tăng 4,9% so với tháng 3/2021, tăng 24,6% so với tháng 10/2020 và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt.
Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.
Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…
Tổng cục Thống kê cho rằng những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trước đó, tại cuộc họp về điều hành giá những tháng cuối năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cần nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Trước diễn biến về tình hình giá thép trong nước tăng đột biến, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.
Dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép, như hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao; thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn...