Giá nhà “bỏng tay”, dân nghèo chỉ biết ngóng chính sách
Giá nhà quận trung tâm Hà Nội tăng 33 lần sau 18 năm. Con số khiến nhiều người giật mình và lo lắng không biết độ “bỏng tay” trong tương lai còn đến mức nào.
Trung bình giá rao bán một căn hộ chung cư bình dân tại Hà Nội là khoảng 25 triệu/m2, theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn. Còn tại TP.HCM, để mua được một căn hộ bình dân, người mua phải chuẩn bị một khoản tiền là 32 triệu/m2 - tương đương với một căn hộ trung cấp ở Thủ đô.
Năm 2002, nhà mặt phố ở quận Hoàn Kiếm có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2020, mức giá này đã lên tới 360 triệu đồng/m2
Người dân sốt ruột...
Thử làm một phép toán cho những người trẻ thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng, tiền tiết kiệm mỗi tháng là 10 triệu đồng, muốn mua một căn hộ bình dân 60m2. Dựa theo mức giá rao bán trung bình mà Batdongsan.com.vn tính toán, để mua được căn hộ tại Hà Nội, người trẻ cần 12,5 năm, còn tại TP.HCM sẽ là 16 năm. Đó là chưa kể giá nhà sẽ tăng lên trong khoảng thời gian này và tốc độ tăng thu nhập không đuổi kịp tốc độ tăng giá nhà.
Chưa kể tại các quận trung tâm ở Hà Nội, giá nhà mặt phố như ở quận Hoàn Kiếm đã tăng 33 lần so với năm 2002, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết. Cụ thể, năm 2002, nhà mặt phố ở quận Hoàn Kiếm có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2020, mức giá này đã lên tới 360 triệu đồng/m2.
Nhiều người chật vật kiếm tiền, tiết kiệm để hơn chục năm trời mới mua được nhà. Trong khi đó, có những "đại gia" nắm trong tay hàng loạt bất động sản, họ coi đây là một hình thức tích lũy tài sản. Hay giới đầu cơ cũng "chơi chiêu", mua đi bán lại để kiếm chênh, đẩy giá nhà đất đã cao lại càng cao hơn.
"Dân nghèo như tôi hàng ngày đọc tin về giá nhà đất, nơi này tăng, nơi kia sốt mà chẳng biết phải làm thế nào để nhanh mua được nhà. Kiếm tiền đâu có dễ. Chẳng lẽ cứ để giá tăng theo thời gian như thế này thì biết khi nào chúng tôi mới mua được nhà, còn đời con cháu chúng tôi không biết ra sao. Người giàu thì cứ giàu lên, người nghèo lại ngày càng nghèo. Không biết Nhà nước có giúp ổn định giá nhà không", anh Mạnh - người đang ấp ủ giấc mơ sở hữu một căn chung cư bình dân 2 phòng ngủ tại Hà Nội cho hay.
Kiểm soát giá nhà đất, chống đầu cơ
Sốt ruột nhìn giá nhà đất tăng qua từng năm, nhiều người ôm giấc mơ mua nhà chỉ biết trông ngóng vào sự kiểm soát của Nhà nước để bình ổn giá, hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản đẩy giá lên cao. Một trong những biện pháp đã từng được đề xuất trước đó là đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3…
Dự báo giá bất động sản 3 tháng cuối năm 2020
Mới đây, tại hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng đề cập đến vấn đề này.
Theo TS Cấn Văn Lực, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị có thể tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhu cầu nhà ở gia tăng nhưng chính sách thuế và phí hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả chức năng điều tiết và định hướng thị trường.
Chẳng hạn, thuế tài sản đất phi nông nghiệp còn thấp (khoảng 0,03%) là điều kiện để gia tăng hoạt động đầu cơ bất động sản. Do đó, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần nghiên cứu có chính sách thuế BĐS thứ 2, 3... để giảm đầu cơ, tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, để hoàn thiện chính sách thuế, phí nhằm điều tiết thị trường, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần xem xét các mức thuế được điều chỉnh theo vùng miền; điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phù hợp với thông lệ quốc tế (từ 0,2-1%)...
Nhìn tại một số quốc gia khác trên thế giới, chính sách thuế, phí cũng được áp dụng hiệu quả để kiểm soát giá nhà đất. Chẳng hạn, Singapore cũng từng có thời kỳ thị trường phát triển quá nóng khiến giá bất động sản tăng vọt, người dân không thể mua nhà trong khi nhiều người khác lại sở hữu 5-7 bất động sản để đầu cơ.
Để kiểm soát giá nhà, Chính phủ nước này nhanh chóng áp dụng giải pháp đánh thuế ngôi nhà thứ 2. Cụ thể, bất cứ người dân Singapore nào cũng phải trả phí 7% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 10% cho căn nhà thứ 3. Người nước ngoài khi mua nhà phải trả 15% cho mọi bất động sản. Về phía người bán, nếu mua và bán ngay trong năm mua thì phải đóng thuế là 16%; bán vào năm thứ hai đóng thuế 12%; năm thứ ba là 8% và năm thứ 4 đóng 4%.
Hay tại Anh, thuế bất động sản được chia thành thuế cho nhà thứ nhất và thuế cho nhà thứ hai trở đi. Mức thuế cho căn nhà thứ nhất được tính lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà, từ mức 0-12%. Với bất động sản thứ 2, mức thuế vẫn gồm 5 bậc lũy tiến, nhưng từ mức 3-15%.
Đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 đã từng được đưa ra bàn luận từ những năm trước nhưng vẫn có nhiều ý kiến phản đối do có thể làm xáo trộn thị trường và kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện thì cũng cần có lộ trình rõ ràng. Người mua nhà vẫn chỉ biết cố gắng tiết kiệm và ngóng chờ...
Diễn đàn doanh nghiệp