MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nhà thuê quá đắt, tôi 'cắn răng' về sống chung với mẹ chồng

24-09-2024 - 16:35 PM | Sống

Tôi từng thề "có chết cũng phải ở riêng" nhưng rồi không chịu nổi giá nhà thuê và chi phí sinh hoạt tăng cao vút, đành "cắn răng" bế con về ở chung với mẹ chồng.

Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay đã được hơn 2 năm và có một bé gái gần 1 tuổi. Thời con gái, tôi sợ nhất là cảnh sống chung với mẹ chồng nên từng thề sau này kết hôn "có chết cũng phải ở riêng". Trước khi cưới, hai đứa thống nhất với nhau nhất định không ở với bố mẹ mà sẽ thuê chung cư để được tự chủ trong cuộc sống.

Muốn ở gần nhà bố mẹ chồng, tiện qua lại thăm hỏi, vợ chồng tôi thuê một căn hộ nhỏ gần trung tâm thành phố với giá 10 triệu đồng mỗi tháng, tính cả phí dịch vụ. Chúng tôi đã tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc khi mới kết hôn trong một không gian riêng tư, thoải mái.

Tuy nhiên, sau khi em bé ra đời, có quá nhiều khoản cần tiêu trong khi giá cả tăng cao, tổng sinh hoạt phí đội lên rất nhiều mà tiền lương không mấy cải thiện. Vợ chồng tôi gặp áp lực rất lớn về tài chính. Tiền thuê căn hộ phải nộp 3 tháng một lần. Mỗi lần chuyển 30 triệu đồng cho chủ nhà, tôi buốt hết cả ruột. Tháng nào phải đóng tiền nhà "một cục" là tháng đó vợ chồng tôi phải đi vay mượn để có tiền trả lương cho bảo mẫu trông con.

Xoay xở trong tình hình kinh tế khó khăn được khoảng 6 tháng, vợ chồng tôi cảm thấy không thể chịu đựng nổi, nhất là khi chủ nhà thông báo sẽ tăng giá thuê lên 12 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp như cho con đi học mầm non sớm để giảm chi phí, thuê một phòng trọ nhỏ và tồi tàn hơn, nhưng ngay cả loại phòng trọ đó cũng tăng giá, tính đi tính lại vẫn quá sức.

Sau khi tính toán và xem xét các phương án khác nhau, tôi đành chấp nhận đề xuất của chồng, "cắn răng" bế con về sống chung với ông bà nội.

Về ở với bố mẹ chồng là điều tôi sợ nhất, là tình cảnh mà ngay từ khi nghĩ đến chuyện kết hôn, tôi đã tự thề bằng mọi giá sẽ không để mình vướng vào. Thế nhưng khi đối mặt với cơm áo gạo tiền, tôi đành phải thừa nhận đó là giải pháp khả thi nhất trong thời điểm giá thuê leo thang không ngừng.

Từ khi về ở chung, cuộc sống hàng ngày thay đổi rất nhiều. Chúng tôi không còn sự riêng tư và phải tuân thủ quy tắc bố mẹ đặt ra. Khi ở riêng, việc ăn uống của chúng tôi rất đơn giản, vừa tốn ít thời gian, công sức nấu nướng vừa hợp khẩu vị, được ăn theo sở thích. Giờ đây, chúng tôi bắt buộc phải ăn theo khẩu vị của bố mẹ chồng, theo giờ giấc, nề nếp mà ông bà đặt ra.

Giá nhà thuê quá đắt, tôi 'cắn răng' về sống chung với mẹ chồng- Ảnh 1.

''Cắn răng'' về sống chung với bố mẹ chồng vì giá nhà thuê quá đắt. (Ảnh minh họa: AI)

Đương nhiên tôi biết mình không có quyền kêu than vì đang được bố mẹ giúp đỡ, nhưng trong tình cảnh làm việc mệt mỏi, áp lực tài chính đè nặng, ăn uống theo ý người khác cũng là một loại stress. Chưa kể đến việc tôi luôn phải nghe những bình phẩm, đánh giá tiêu cực mà mẹ chồng dành cho mình, phải nghe đủ bài lên lớp, dạy dỗ, hoặc bị bà can thiệp vào những chuyện cá nhân...

Tôi biết mẹ chồng không có ý xấu, nhưng hai thế hệ có quan điểm khác nhau, việc bị kiểm soát, áp đặt khiến tôi mệt mỏi.

Điều khiến tôi căng thẳng, bức xúc nhất chính là quan điểm nuôi dạy trẻ của bố mẹ chồng rất khác với vợ chồng tôi. Ông bà luôn đưa ra những kinh nghiệm, bài thuốc thời xưa để áp dụng cho con gái tôi.

Có lần bé bị sốt, ho, chúng tôi muốn đưa con đi khám nhưng mẹ chồng nhất định bắt để ở nhà, uống thuốc ho "kháng sinh tự nhiên". Bà nói ngày xưa vẫn dùng cách đó cho 4 đứa con, tất cả đều lớn lên khỏe mạnh. Chúng tôi không dám cãi lời bà, nhưng con gái ngày càng ho nặng hơn. Sau một tuần đi khám, bác sỹ nói bé bị viêm phổi.

Hôm đó, kiệt sức, căng thẳng và xót con, tôi khóc với chồng, nói sẽ lại ra ở riêng, đến đâu thì đến. Nhưng rồi bình tĩnh lại, tôi biết với năng lực tài chính của hai đứa, điều đó là bất khả thi nếu không muốn để con nhỏ lại chịu khổ quá mức.

Cố gắng trấn an bản thân, suy nghĩ thấu đáo, tôi thấy mình chỉ có cách xác định tâm lý để đối mặt với sự bất đồng quan điểm cũng như những mâu thuẫn với bố mẹ chồng và tìm cách hòa hợp. Suy cho cùng, ông bà vẫn luôn thương con thương cháu; đã ở cùng thì đụng độ là khó tránh, phải chấp nhận và khắc phục được chút nào hay chút ấy thôi.

Tôi nhờ chồng nói chuyện với bố mẹ để đừng can thiệp vào cách chúng tôi dạy dỗ và chăm sóc con. Bố mẹ chồng giận lắm, mắng hai vợ chồng tôi không ra gì, khiến hai đứa phải xin lỗi mãi. Nhưng rồi lần khác chúng tôi lại nói. Sau nhiều lần thuyết phục, dần dần ông bà cũng thông cảm và hợp tác hơn, ít can thiệp hơn vào việc dạy dỗ, nuôi dưỡng cháu.

Mẹ chồng vẫn không bằng lòng với tôi, vẫn hay lên lớp, chê bai, bới lỗi, so sánh tôi với con dâu nhà này nhà nọ; nhưng tôi luôn cố gắng tự nhủ mình không được có phản ứng tiêu cực.

Tôi tự nhắc nhở rằng mình đang phải chịu ơn ông bà, mình ở đây khiến ông bà vất vả vì ít nhiều cũng giúp đỡ con cái việc nọ việc kia, phải chịu đựng phiền toái, chẳng hạn cảnh ồn ào khi trẻ con quấy khóc. Có những hôm con tôi ốm không đến nhà trẻ, mẹ chồng vốn định đi chơi với các bạn già nhưng rồi không nỡ, đã bỏ hẹn để ở nhà trông bé cho tôi đi làm.

Sống chung với bố mẹ chồng, vợ chồng tôi tiết kiệm được khoản tiền rất đáng kể do không phải trả tiền thuê nhà và thuê bảo mẫu trông con. Hai đứa dự định dành khoản này tích lũy để sau khi có con số kha khá sẽ đăng ký mua trả góp một căn hộ chung cư.

Dù biết rằng con gái được gần gũi ông bà có nhiều điều tốt, tôi vẫn coi sống chung với bố mẹ chồng là giải pháp tạm thời khi tài chính chưa đủ, vẫn luôn khao khát ra ở riêng để được sống theo ý mình. Vợ chồng tôi bảo nhau cố gắng làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm và liên tục cập nhật thông tin thị trường bất động sản, hy vọng tích lũy được nhiều tiền bạc và chớp được cơ hội mua nhà vào lúc giá cả dễ chịu nhất trong một tương lai không xa.

Dù bố mẹ chồng rất tốt và thương yêu con cháu, vợ chồng tôi vẫn muốn có một nơi gọi là nhà riêng của mình, nơi hai đứa là chủ nhân thực sự.

Theo Hồng Hạnh/VTC News

VTC News

Trở lên trên